Thứ 6, 29/03/2024 18:19:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:24, 16/03/2014 GMT+7

"Xông xênh" nghề lượm điều

Chủ nhật, 16/03/2014 | 09:24:00 2,568 lượt xem

Vụ thu hoạch điều chỉ diễn ra trong vòng 2 tháng nên hút một lượng không nhỏ nhân công. Đó chính là cơ hội cho nhiều lao động nông nhàn ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung đổ về Bình Phước lượm điều thuê. Dẫu giá điều lên hay xuống, được hay mất mùa thì người lượm điều thuê vẫn được trả công như thỏa thuận ban đầu. Nhận thấy đây là nghề cho thu nhập khá, nhiều người đã tạo niềm tin với chủ vườn để kiếm cho mình một công việc ổn định và mang lại thu nhập chính.


THU NHẬP CHÍNH TỪ NGHỀ THỜI VỤ

Thời điểm thu hoạch hạt điều ở Bình Phước lại là khoảng thời gian người dân miền Trung, miền Bắc rảnh rang, mùa màng đang thời kỳ “cây xanh lá nõn”. Vì thế, Bình Phước dễ dàng có được nguồn nhân công dồi dào từ ngoại tỉnh đổ về.

Lượm điều thuê là niềm vui của nhiều nhân công ngoại tỉnh dịp nông nhàn

Chị Dương Thị Diệu (1962), quê ở Lệ Thủy (Quảng Bình) đã gắn bó với nghề lượm điều thuê ở Bình Phước được 9 năm. Cũng chừng đó năm chị làm công cho gia đình ông Bùi Xuân Phóng ở thôn Phú Tâm, xã Phú Trung (Bù Gia Mập). Mỗi năm, khi điều vào vụ thu hoạch thì gia đình ông Phóng lại điện cho chị vào. Chị được gia đình ông Phong bao cơm ăn và chỗ ở. Khi mới vào đầu vụ thì chủ vườn trả công 150 ngàn đồng/ngày. Khi điều chín rộ thì công được trả theo kg hạt lượm được, giá 2.200 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày chị lượm được hơn 100kg. Qua nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, chị chia sẻ: “Tôi theo nghề này vì thu nhập khá. Được bao ăn, ở nên tiền công để dư. Năm trước, tôi làm được gần 10 triệu đồng. Ở quê, tôi sống bằng nghề chăn nuôi heo nhưng cũng chỉ lấy công làm lãi nên chẳng có dư. Gần 2 tháng được gần chục triệu đồng là khoản thu không nhỏ với gia đình tôi”.

Vợ chồng ông Phóng luôn tạo điều kiện để người làm được ăn ngủ đúng giờ, đảm bảo sức khỏe. Người lượm điều được phục vụ nước chè xanh đá. Ông Phóng cho biết: “Nhờ có người làm công mà mùa thu hoạch điều mới nhanh chóng, bảo đảm chất lượng hạt khi được lượm kịp thời. Năm trước, gia đình tôi đã chi gần 36 triệu đồng tiền công lượm điều, khoảng 10% tổng tiền thu từ vườn điều cả vụ”.


GẮN KẾT BẰNG UY TÍN

Tuy không có giấy tờ hợp đồng nhưng cả chủ vườn điều và người làm công đều giữ uy tín với nhau. Bà Trương Thị Châu có hơn 4 ha điều ở thôn 4, xã Long Bình (Bù Gia Mập) cho biết: “Hiện giá điều xuống chỉ còn 22 ngàn đồng/kg nhưng vẫn phải trả đúng tiền công đã thỏa thuận với người làm. Nếu mình hạ giá thuê thì người làm công bỏ đi. Ai cũng cần nhân công vì điều đã vào thời kỳ chín rộ. Phải giữ giá thuê để giữ người làm công lâu dài và còn tạo uy tín cho vụ sau”. Nhờ uy tín nên năm nào người làm công cũng trở lại lượm điều thuê cho gia đình bà. Vợ chồng chị Lê Thị Lan quê ở tỉnh Thanh Hóa, làm công thời vụ cho gia đình bà Châu đã 5 năm chia sẻ: “Tôi đã làm quen nên đến mùa chủ vườn lại gọi. Làm công với chủ quen thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Ăn tết xong là tôi bắt xe đò vào ngay. Hết hai tháng lại về quê làm ruộng”.

Chị Bùi Thị Đào ở Lệ Thủy, Quảng Bình có 5 năm làm thời vụ lượm điều ở xã Phú Trung chia sẻ: “Công việc lượm điều đòi hỏi phải dẻo dai và nhanh nhẹn. Tuy không nặng nhọc nhưng phải cúi khom suốt ngày. Hiện ở xã tôi có khoảng 10 người đang lượm điều thuê trên địa bàn xã Phú Trung. Lượm điều dưới bóng cây mát mẻ, thoáng đãng nên có thể làm suốt ngày. Ai nhanh có thể lượm được 150kg mỗi ngày”.

Gần 30 năm trồng điều nên gia đình anh Hảo ở thôn 8, xã Long Bình (Bù Gia Mập) đã giữ chân chị Tuyết (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) được 16 năm. “Con tôi ăn học được cũng nhờ vào nghề thời vụ này. Ban đầu, tôi chỉ tính đi làm vài năm nhưng rồi thích và làm luôn cho đến nay. Chắc làm đến khi nào hết đi nổi mới thôi” - chị Tuyết chia sẻ.

Những người đến lượm điều đều được gia chủ bao ăn, ở và đăng ký tạm trú nên không có tình trạng mất an ninh trật tự trong vụ thu hoạch điều. Đa số người làm công là nữ, lại cần mẫn làm việc trong vườn điều nên không gây ảnh hưởng tới người dân xung quanh. Hy vọng điều sẽ vẫn là cây chủ lực ở Bình Phước để mỗi năm lại giữ chân được nông dân nghèo ở nhiều tỉnh thành có cơ hội kiếm thêm tiền nuôi con ăn học, phục vụ đời sống.                                                                  

Ngọc Tú

  • Từ khóa
48472

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu