Thứ 6, 19/04/2024 04:29:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 16:25, 01/05/2016 GMT+7

Đền thờ quý phi Bích Châu ở Đồng Phú

Chủ nhật, 01/05/2016 | 16:25:00 1,329 lượt xem
BP - Theo nhiều nguồn sử liệu, quý phi Bích Châu tên thật là Nguyễn Thị Bích Châu, bà sinh ở Nam Định vào khoảng năm 1357, là con của Nguyễn Tướng Công thời Trần. Vốn là người có tư chất thông minh, ham học hỏi, lớn lên bà Bích Châu được cha dạy dỗ và cho học chữ, đồng thời được cậu ruột dạy võ. Do đó có thể nói bà là người có văn võ khá song toàn.

Mặt trước đền thờ thánh mẫu Bích Châu ở Đồng Phú - Ảnh: Lâm Thị Hồng
Mặt trước đền thờ thánh mẫu Bích Châu ở Đồng Phú - Ảnh: Lâm Thị Hồng

Năm 1373, bà được vua Trần Dụ Tông tuyển vào cung và phong làm quý phi. Với tài đức của mình, bà được vua Dụ Tông rất tin yêu. Năm 1377, bà được  nhà vua cho phép cùng xuất chinh đi đánh ChămPa. Do bị nội gián làm phản, nhà vua thua trận và bị thương, bà Bích Châu cầm gươm lên ngựa dẫn quân ứng cứu, giải cứu được nhà vua và rút lui an toàn nhưng bà đã bị thương và qua đời. Nhà vua vì quá đau buồn cũng băng hà sau đó. Thi hài của vua và quý phi Bích Châu được đưa về bằng đường biển, tuy nhiên khi đưa đến vùng biển Ô Tôn, eo Bạch Kỳ (vùng Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) thì gặp thời tiết bất lợi, đoàn không đi được phải đưa lên bờ. Sau đó, quý phi được an táng tại đây. Cảm kích tấm lòng yêu nước, đức hạnh và công lao của bà, người dân nơi đây đã lập đền thờ để cúng tế hằng năm. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi ngang đây nghe được câu chuyện đã ra lệnh sắc phong bà là Thượng Đẳng Thần. Hiện nay, đền thờ quý phi Bích Châu đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích cấp tỉnh.

Năm 1988, 60 hộ dân ở làng Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh đi làm kinh tế mới ở huyện Đồng Phú. Trước khi đi, người dân đã đến đền thờ quý phi Bích Châu xin một trác lệnh với mong muốn được bà phù hộ cho bình an trong quá trình di chuyển, đến nơi làm ăn yên ổn, phát đạt. Khi đến nơi ở mới (ấp Dên Dên, thị trấn Tân Phú ngày nay), người dân đã lập một đền thờ vọng quý phi Bích Châu và duy trì cho đến ngày nay. Đền thờ được xây dựng trên khuôn viên đất rộng khoảng 700m2 do một người dân hiến tặng.

Đền thờ được xây dựng với quy mô lớn dần và cho đến nay đã tương đối hoàn chỉnh. Đền có ba gian theo kiểu chữ tam, gồm ba điện thờ là điện thượng thờ Bích Châu quý phi, điện trung thờ hội đồng và điện hạ thờ những người thân cận, người hầu. Phía trước sân có bức bình phong, có hai trụ biểu làm cổng, bên ngoài có hai am nhỏ thờ tả quan và hữu quan bảo vệ đền. Các gian thờ có trang trí phù điêu đắp nổi như: phượng hoàng, rồng. Nhìn chung cấu trúc, mô tuýp xây dựng và trang trí đền thờ có nhiều điểm khá độc đáo, có giá trị mỹ thuật, thẩm mỹ cao, vừa mang yếu tố phản ánh đền thờ nữ thần vừa mang yếu tố của một vị nữ tướng (có quan võ cầm đao đứng gác).

Mặc dù là thờ vọng nhưng người dân tổ chức thờ cúng đúng với nghi thức truyền thống tại quê hương. Hằng năm vào ngày 10-2 âm lịch, nhân dân ở đây tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày mất của bà Bích Châu với nhiều hoạt động phong phú, trang trọng. Ngoài lễ vật chung của làng, cư dân trong ấp còn chia thành 5 tổ, mỗi tổ chuẩn bị lễ vật riêng để dâng cúng bà. Đúng 0 giờ ngày 10-2, nghi lễ cúng tế được tiến hành. Lễ tế ngoài dâng trà, rượu, nước, còn có nghi thức rất quan trọng là chủ lễ trình đọc chúc văn và sớ với 2 nội dung khác nhau. Phần chúc văn kể về công lao to lớn của bà, nguyên nhân bà hy sinh, phần sớ chủ yếu là nội dung cầu xin bà ban phước phù hộ cho dân làng được bình an, làm ăn phát đạt. Quá trình lễ cúng tế chung của làng và của các tổ đều có trình diễn nhạc lễ với các nhạc cụ: trống cái, trống con, xập xõa, chiêng... Điều đặc biệt trong trình diễn nhạc lễ khi tế, do bà là tướng trận nên các bài bản mang âm hưởng như trống trận, giòn giã, dồn dập, rộn ràng, tái hiện hình thức thúc dục xung trận. Sau lễ cúng chung, lần lượt các tổ sẽ cúng theo trình tự. Kết thúc lễ cúng tập thể, con cháu trong làng và khách thập phương sẽ lần lượt dâng lễ vật cúng bà cho đến trưa hôm sau. Song song với các hoạt động của phần lễ, hoạt động của phần hội cũng được tổ chức khá phong phú. Trong đó nổi bật là đánh cờ tướng, văn nghệ và giao lưu thể thao.

Gần 30 năm tổ chức thờ cúng, cho đến nay, hoạt động thờ cúng thánh mẫu quý phi Bích Châu đã có sức lan tỏa mạnh mẽ ở huyện Đồng Phú. Hằng năm, dịp lễ giỗ bà thu hút hàng chục ngàn người dân trong và ngoài tỉnh. Có thể nói, việc tồn tại tín ngưỡng thờ thánh mẫu quý phi Bích Châu ở Đồng Phú có ý nghĩa thiết thực, vừa làm phong phú bản sắc tín ngưỡng truyền thống của địa phương vừa góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. 

Phạm Hữu Hiến

  • Từ khóa
92050

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu