Thứ 7, 20/04/2024 01:47:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:23, 19/07/2019 GMT+7

Đến ngày 17-7, toàn tỉnh ghi nhận 3.134 ca mắc sốt xuất huyết

Thứ 6, 19/07/2019 | 06:23:00 172 lượt xem
BP - Sáng 17-7, đoàn giám sát của Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh làm việc với TP. Đồng Xoài về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH). Đoàn đã làm rõ một số nguyên nhân dẫn đến số ca mắc SXH tăng cao trên địa bàn và đề xuất những giải pháp cấp bách trong thời gian tới.

Thiếu sự phối hợp đồng bộ

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP. Đồng Xoài, 6 tháng đầu năm nay tình hình SXH diễn biến phức tạp. Ngay trong những tháng mùa khô nhưng số ca bệnh vẫn tăng cao, số ổ dịch tăng 370% so cùng kỳ năm trước. Thống kê đến ngày 12-7, TP. Đồng Xoài có 602 ca mắc SXH, tăng 231 ca so cùng kỳ năm trước (tăng 256%) với 37 ổ dịch, tăng 10 ổ dịch. Đáng lưu ý trên địa bàn hầu hết các xã, phường đều có ổ dịch, nhiều nhất là phường Tiến Thành 8 ổ dịch, các phường Tân Xuân, Tân Đồng, Tân Bình, Tân Phú mỗi phường 5 ổ dịch. Trung tâm Y tế thành phố đã phun hóa chất diện rộng tại ấp 7, xã Tân Thành và các khu phố 1, 2, 3 của phường Tiến Thành; giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, xử lý triệt để, đúng quy trình ổ dịch mới. Tổ chức diệt lăng quăng tại địa bàn có chỉ số cao ở xã Tân Thành và 2 phường Tân Xuân, Tiến Thành...

Đoàn giám sát kiểm tra lăng quăng tại nhà một hộ dân ở phường Tân Phú (Đồng Xoài)

Tại hệ điều trị, Trung tâm Y tế TP. Đồng Xoài đã tiếp nhận 124/334 bệnh nhân mắc SXH điều trị, trong đó đã điều trị ổn định xuất viện 79 ca, chuyển tuyến trên điều trị 45 ca do chuyển độ. Bác sĩ Trịnh Xuân Thiều, Giám đốc trung tâm cho biết: Với đặc điểm của một đô thị trẻ, TP. Đồng Xoài đang xây dựng, kiến thiết nên công tác vệ sinh môi trường ở nhiều khu vực chưa được quan tâm quản lý tốt tạo điều kiện cho muỗi ẩn náu, sinh sôi và gây bệnh. Ý thức của một bộ phận nhân dân về phòng, chống SXH chưa cao, sự hợp tác hạn chế, thậm chí có thái độ thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh. Trong khi đó, chương trình phòng, chống SXH không có nguồn kinh phí từ Trung ương, kinh phí tuyến tỉnh chưa kịp thời nên khó chủ động lập kế hoạch ngay từ đầu. Kinh phí chi nhân công phun hóa chất thấp nên khó thuê nhân công. Y tế thôn bản các phường không còn hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả do không có kinh phí. Các xã, phường không có đội phun hóa chất nên mỗi lần phun phải hướng dẫn nhân công lại từ đầu và không có kinh phí, nhân lực xử lý diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường.

Khó tiếp cận hộ dân

Giám sát trực tiếp tại khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tôi thấy việc vệ sinh môi trường của nhiều hộ dân vẫn chưa tốt. Mỗi nhà đều có nhiều vật dụng chứa nước không cần thiết, không vệ sinh nên tạo môi trường sống cho lăng quăng, từ đó muỗi mới sinh sôi phát triển gây bệnh. Vì vậy, nếu giải quyết tốt bài toán về lăng quăng thì công tác phòng dịch SXH cơ bản hoàn thành. Tôi đề nghị chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc cùng ngành y tế. Theo đó, phải tuyên truyền thường xuyên tới từng hộ dân, chứ không phải đợi SXH “vào mùa” rồi mới tổ chức thực hiện.

Anh Bùi Quang Bốn ở khu phố Phú Cường, phường Tân Phú cho rằng, sau khi được đoàn giám sát chỉ ra những nguyên nhân gây SXH mới thấy gia đình còn nhiều thiếu sót đối với công tác phòng chống dịch. Anh Bốn nói: “Tôi cũng chủ quan không dọn dẹp các vật dụng chứa nước uống của chó, mèo hay một số bình cắm hoa, chậu cây cảnh. Chỉ cần quên 1-2 ngày là mỗi vật dụng lại có rất nhiều lăng quăng, phát triển thành muỗi”. Kế đó, tại nhà chị Hoàng Thị Nguyệt, đoàn giám sát cũng phát hiện có rất nhiều lăng quăng trong các chậu cây cảnh, lăng quăng bò cả lên lá cây. Người nhà chị Nguyệt cho biết, mặc dù rất nhiều lần đề nghị dời chậu cây cảnh nhưng gia chủ không quan tâm. Xung quanh khu vực nhà anh Bốn, chị Nguyệt có một số hộ thường xuyên đóng cửa, nhân viên y tế đến nhà tuyên truyền khó tiếp cận, thậm chí không tiếp.

Đến ngày 17-7, toàn tỉnh ghi nhận 3.134 ca mắc SXH, tử vong 1 ca, số ca mắc tăng cao so cùng kỳ năm trước, có 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc cao. Đáng lưu ý năm nay SXH ở Bình Phước bắt đầu tăng từ tuần 1, tiếp tục tăng trong những tuần tiếp theo và từ tuần 9 có sự gia tăng đột biến, vượt ngưỡng cảnh báo dịch. Tình hình diễn biến SXH trên địa bàn tỉnh hiện được đánh giá rất phức tạp. Ngành y tế đưa ra cảnh báo nếu không có biện pháp can thiệp đồng bộ, kịp thời, quyết liệt thì SXH có thể bùng phát thành dịch lớn, mất kiểm soát. Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Viện Pasteur khuyến cáo: Trước mắt, TP. Đồng Xoài nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung cần tăng cường vai trò của ban chỉ đạo các cấp, đẩy mạnh truyền thông cả trực tiếp lẫn gián tiếp, nhanh chóng tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng ở những điểm nguy cơ, giám sát ca bệnh, xử lý triệt để ổ dịch, đưa ra những cảnh báo đối với các cơ sở điều trị. Đặc biệt phải làm tốt từng khâu, không để hạn chế của khâu này ảnh hưởng đến khâu khác và trở thành vòng luẩn quẩn khiến công tác phòng, chống SXH gặp khó khăn.

Bình Phước cần nhanh chóng tổ chức hiệu quả chiến dịch diệt lăng quăng

Chiều 17-7, đoàn giám sát của Viện Pasteur, Viện Y tế công cộng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh làm việc với Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên người tỉnh Bình Phước.

Ngành y tế cho rằng, nguyên nhân số ca bệnh SXH gia tăng là do vai trò tham mưu của trung tâm y tế cho chính quyền trong công tác phòng chống SXH ở một số huyện, thị còn hạn chế nên chưa nhận được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ nhân lực, vật lực để triển khai các hoạt động phòng chống SXH. Kinh phí từ nguồn địa phương cấp cho hoạt động phòng chống SXH mới chỉ đáp ứng một phần, kinh phí chi cho công phun hóa chất thấp. Mặt khác qua giám sát tại thực địa cho thấy chất lượng xử lý ổ dịch chưa đạt yêu cầu. Chưa nhận được sự tham gia tích cực của cộng đồng, người dân chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống SXH…

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur cho rằng, tỉnh cần làm tốt công tác giám sát véc-tơ muỗi, bọ gậy; giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh để xử lý ổ dịch; cảnh báo các cơ sở y tế nâng cao cảnh giác với các bệnh dịch lưu hành, nhất là SXH. Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp, đoàn thể chính trị - xã hội nâng cao ý thức phòng chống SXH. Thường xuyên giám sát, nhắc nhở người dân thay đổi hành vi, duy trì hành vi tốt một cách bền vững để chủ động phòng chống SXH. Trước mắt, để hạn chế số ca mắc SXH, ngành y tế cần nhanh chóng tập huấn và tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng tại các điểm nguy cơ. Phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch...

Phương Dung

  • Từ khóa
62533

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu