Thứ 7, 20/04/2024 06:19:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:38, 13/01/2018 GMT+7

Đến năm 2020, quy hoạch ổn định 157.330,8 ha đất lâm nghiệp

Thứ 7, 13/01/2018 | 15:38:00 320 lượt xem
BP - HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47/NQ-HĐND về việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2017-2020. Theo đó, nghị quyết này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến việc bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Bình Phước.

Mục tiêu của nghị quyết: Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng tự nhiên và rừng trồng ổn định 22,9% đảm bảo độ che phủ chung (độ che phủ của rừng và cây lâu năm) trên toàn tỉnh đạt 74,03%; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất - kinh doanh lâm nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng ổn định các vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến lâm sản của tỉnh; tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống người dân vùng nông thôn, miền núi và giữ vững quốc phòng - an ninh, bảo vệ và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.

Về nhiệm vụ: Quản lý, bảo vệ và phát triển ổn định lâm phần của tỉnh với quy mô 157.330,8 ha vào năm 2020, trong đó 32.132,5 ha rừng đặc dụng, 35.237,4 ha rừng phòng hộ và 89.960,9 ha rừng sản xuất. Tổ chức quản lý, khai thác sử dụng có hiệu quả tiềm năng rừng, đất rừng, đặc biệt là rừng sản xuất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Nghị quyết đã điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2017-2020: Đưa ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp với diện tích 19.067,7 ha; điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên ngoài lâm phần, đất bán ngập để quy hoạch trồng rừng phòng hộ diện tích 3.184,2 ha. Điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng với nhau: Điều chỉnh đất rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ đầu nguồn sang quy hoạch rừng sản xuất 8.886,4 ha; diện tích quy hoạch rừng sản xuất sang rừng đặc dụng 1.293 ha. Diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch ổn định đến năm 2020 là 157.330,8 ha; trong đó phân theo 3 loại rừng gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất; phân theo hiện trạng rừng, gồm: rừng tự nhiên, rừng trồng đã thành rừng, rừng trồng chưa thành rừng, đất khác.

Đối với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng: Tổng diện tích rừng bảo vệ 155.687,5 ha, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng; phân theo 3 loại rừng gồm rừng đặc dụng 32.051,3 ha, rừng phòng hộ 34.611 ha, rừng sản xuất 89.025,2 ha. Phát triển rừng, gồm: Trồng mới trên diện tích quy hoạch rừng phòng hộ 2.989,3 ha; mỗi năm trên địa bàn toàn tỉnh trồng thêm 100 ngàn cây phân tán. Khai thác rừng trồng 2.400 ha, bình quân 600 ha/năm, sản lượng 72.000m3; bình quân 18.000m3/năm; khai thác lâm sản ngoài gỗ (lồ ô) 250 ngàn cây/năm. Về chế biến lâm sản: Hoàn thiện quy hoạch chế biến lâm sản trên toàn tỉnh, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất với trang thiết bị hiện đại. Hình thành các khu chế biến gỗ tập trung tại các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

Nghị quyết cũng đề ra các giải pháp, như về tổ chức thực hiện: Tuyên truyền, phổ biến quy hoạch đến từng chủ rừng, chủ dự án; đến chính quyền từ huyện, xã và người dân; xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2017-2020; hằng năm xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng để tổ chức thực hiện. Về tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất: Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý lâm nghiệp từ tỉnh đến các địa bàn cơ sở; sắp xếp các ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh; hoàn thiện tổ chức bảo vệ rừng theo hướng kết hợp bảo vệ rừng và khai thác kinh tế rừng hiệu quả, bảo vệ môi trường rừng. Giải pháp về chính sách: Cụ thể hóa và thực hiện cơ chế chính sách giao, cho thuê rừng sản xuất và rừng phòng hộ là rừng tự nhiên; chú trọng trong các hoạt động du lịch sinh thái... Ngoài ra còn có các giải pháp về khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo và khuyến lâm; về vốn; về phát triển nguồn nhân lực...

N.K

  • Từ khóa
42409

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu