Thứ 6, 29/03/2024 01:08:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:19, 03/03/2015 GMT+7

Thuế thu nhập cá nhân và những bất cập

Thứ 3, 03/03/2015 | 08:19:00 444 lượt xem
BP - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26-11-2014 và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2015. Theo đó, điểm mới của luật này là đem lại những thuận lợi trong công tác quản lý các loại thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

Điểm mới thứ hai là thực thi luật này, đại bộ phận cá nhân kinh doanh không phải nộp bất cứ khoản nào cho ngân sách, kể cả thuế môn bài; một bộ phận còn lại chỉ phải nộp một loại thuế duy nhất là thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nên không phải làm bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì liên quan đến thủ tục hành chính thuế. Cơ quan thuế cũng giảm được rất nhiều thời gian, công sức, chi phí, nhân lực để quản lý thuế đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quy định của luật này thì kể từ 1-1-2015, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm (tương đương với 8,33 triệu đồng/tháng) trở lên phải đóng thuế TNCN. Và quy định này không nhận được sự đồng thuận của một bộ phận cá nhân đang tham gia kinh doanh. Bởi vì theo Luật thuế TNCN, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế TNCN đối với phần thu nhập còn lại (được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập) sau khi đã trừ đi các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 9 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng. Với chính sách này, trong số hơn 3 triệu hộ kinh doanh hiện chỉ có khoảng 200.000 người phải nộp thuế TNCN.

Nhưng với chính sách mới, kể từ 1-1-2015, dù có kinh doanh thua lỗ, thậm chí chi phí bỏ ra để kinh doanh như chi trả tiền thuê nhà, điện, nước, điện thoại, tiền lương nhân công... lớn hơn cả doanh thu, thì mỗi năm cá nhân kinh doanh đều phải nộp thuế TNCN tối thiểu là 500.000 đồng; 1 triệu đồng; 1,5 triệu đồng; 2 triệu đồng hoặc 5 triệu đồng tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh. Và chính sách này rõ ràng là bất hợp lý vì quay lại chính sách thuế doanh thu đã bị bãi bỏ từ năm 1995 do quá lạc hậu. Ngoài ra, chính sách thuế mới không khuyến khích cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nộp thuế TNCN do cá nhân kinh doanh không được giảm trừ gia cảnh như đối với cá nhân có thu nhập thường xuyên từ tiền lương, tiền công...

Đặc biệt, cách tính thuế TNCN mới không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế và 50% người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, đây là hai chính sách vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Chính sách nào cũng có tính hai mặt, nhưng một chính sách sẽ thành công nếu giảm thiểu tới mức cao nhất số người phải chịu bất lợi khi điều chỉnh. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Tài chính cũng nên tính lại mức khởi điểm doanh thu để tính thuế TNCN.

Hải Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu