Thứ 6, 29/03/2024 18:50:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:50, 26/04/2018 GMT+7

Để “Y phục xứng kỳ đức”

Thứ 5, 26/04/2018 | 14:50:00 763 lượt xem
BP - Giỗ Quốc tổ (10-3 âm lịch) năm nay, có khoảng hơn 7 triệu lượt khách đã đến dâng hương tại Đền Hùng (Phú Thọ). Điều này cho thấy sự tôn kính và lòng tri ân của người dân cả nước đối với các vua Hùng và những bậc tiền nhân. Vậy nên công tác tổ chức phải được chuẩn bị chu đáo, trang nghiêm.

Nét mới trong công tác tổ chức lễ hội Đền Hùng năm nay được dư luận đồng tình và đánh giá cao là nghiêm cấm các trường hợp ăn mặc hở hang, phản cảm đến dâng hương. Minh chứng cho điều này, ngay ngày 24-4 (tức 9-3 âm lịch) đã có trên 100 người bị lực lượng chức năng yêu cầu ra ngoài khu vực Đền Hùng vì lý do mặc... quần lửng, váy ngắn, áo dây.

Đền hay chùa hoặc khu di tích lịch sử... là những nơi linh thiêng, tôn nghiêm nên không ai chấp nhận những người mặc áo quần hở hang, “thiếu vải” viếng thăm. Thế nhưng đã từ nhiều năm nay, báo chí và dư luận đã có rất nhiều bài viết, clip ghi lại những hình ảnh phản cảm, thậm chí là lố lăng và đã có không ít người bày tỏ quan điểm bất bình, lên án kịch liệt việc ăn mặc thiếu nghiêm túc làm mất đi sự tôn nghiêm ở chốn thiêng liêng; làm cho nét đẹp văn hóa lễ chùa, văn hóa tâm linh bị ảnh hưởng. Với những người này, họ không chỉ tự làm xấu mình vì thích “khoe da thịt”, mà còn gây khó chịu, bức xúc cho nhiều người. Cùng với ý thức kém là do không được nhắc nhở bằng biện pháp mạnh, khiến nhiều người vẫn thản nhiên ăn mặc hớ hênh tại các khu du lịch tâm linh. Nay ban tổ chức lễ hội Đền Hùng đã kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp ăn mặc phản cảm, không chuẩn mực, được dư luận đồng thuận cao và mong rằng việc xử lý này sẽ lan tỏa đến các khu di tích lịch sử, những chốn linh thiêng khác trong cả nước.

Theo giáo lý nhà Phật, mặc y phục kiểu thiếu vải nhưng thừa thịt không chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ, làm phương hại đến văn hóa mà còn khơi dậy ác tâm. Đó chính là cách tạo ác nghiệp. Mặc phản cảm còn khiến tâm không yên, người không tịnh. Trong dân gian có câu thành ngữ rằng “y phục xứng kỳ đức” (nghĩa là ăn mặc tương xứng với địa vị xã hội). Vì thế mà thông qua cách ăn mặc, chúng ta có thể phần nào đoán được phẩm chất, trình độ văn hóa của người đó ra sao.

Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP từng quy định: Cá nhân nào có cách ăn mặc phản cảm đến với những địa chỉ văn hóa tín ngưỡng như đền, chùa sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60-100 ngàn đồng đối với hành vi... mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Tuy nhiên, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP đã hết hiệu lực từ ngày 28-12-2013 và thay thế bởi Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Nhưng trong Nghị định số 167 lại bãi bỏ điều khoản này... Hiện nay, việc cấm người ăn mặc hở hang, lố lăng, phản cảm vào các nơi linh thiêng, di tích lịch sử, văn hóa đang được dư luận đồng tình cao. Vì vậy, quy định tại Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP cần được khôi phục với mức phạt cao hơn.

Và không chỉ nghiêm cấm những người có y phục không phù hợp ở chốn tâm linh, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mà ban quản lý đền, chùa cũng cần tích cực hơn trong việc thực hiện nội dung Công văn số 31 ngày 22-2-2018 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc không đốt vàng mã.

An Nhiên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu