Thứ 7, 20/04/2024 07:11:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:13, 10/08/2018 GMT+7

Dê thương phẩm hút hàng trở lại

Thứ 6, 10/08/2018 | 15:13:00 123 lượt xem

BP - Tiêu rớt giá, dê dần trở thành vật nuôi chủ lực giúp nhiều nông hộ ở các xã Thanh An, An Khương (Hớn Quản) có nguồn thu để tiếp tục gắn bó với cây tiêu. Người dân đã tận dụng nguồn thức ăn cho dê từ nọc sống của trụ tiêu, tăng thu từ bán dê thịt và tiết kiệm hàng chục triệu đồng tiền phân bón cho tiêu mỗi năm. Dê đực loại 1 (dê tơ 25kg/con trở lên chưa thay răng) hiện có giá 87 ngàn đồng/kg, tăng 10-15 ngàn đồng/kg so với dịp tết, người chăn nuôi rất phấn khởi. Tuy nhiên, hiện nhiều hộ không còn dê loại 1 để bán, dẫn đến tình trạng khan hàng...

KHAN HIẾM DÊ THƯƠNG PHẨM

 Xã Thanh An hiện còn khoảng 4.000 con dê với 200 hộ nuôi, giảm hơn 1.000 con so với cuối năm 2017. Cách đây 10 ngày, sau khi bán 5 con dê, ông Phạm Văn Sinh ở ấp Trung Sơn còn 25 con trong chuồng. Hiện ngày nào cũng có thương lái đến nhà hỏi mua. Không riêng gì gia đình ông, nhiều hộ nuôi dê ở xã Thanh An dù không có nhu cầu bán nhưng thương lái đến hỏi mua liên tục. “Ngoài nuôi dê, em còn buôn dê mà hôm nay có 4-5 thương lái đến nhà hỏi mua.  Thanh An giờ không còn dê để bán” - anh Chung, một thương lái ở Thanh An nói. Chị Thị Xa Ri ở ấp Lồ Ô cho biết: “Dê tăng giá 10 ngàn đồng/kg so với trước. Nhà em còn mấy con, hiện thức ăn dồi dào, dê chưa đạt loại 1 nên em chưa muốn bán. Vậy mà 1 tuần thương lái tới hỏi mua 3 lần”.

Có công ty đến ký hợp đồng bao tiêu đầu ra dê thương phẩm nhưng vợ chồng ông Trần Văn Chung ở ấp 2, xã An Khương không đồng ý vì dự đoán giá dê còn tăng

Anh T, một thương lái ở xã Thanh An cho biết dê gom được anh xuất đi các tỉnh miền Tây, miền Bắc. Hiện nguồn cung tại tỉnh không đủ nhu cầu nên anh phải tìm kiếm nguồn hàng khắp nơi như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk. “Tôi chủ yếu mua lại của các thương lái nhỏ. Bình quân tôi mua 4 tấn/tuần, các thương lái khác mua nhiều hơn. Hằng ngày có khoảng 30 thương lái lùng mua dê ở Thanh An. Người nuôi dê cũng trở thành thương lái. Có mối hàng do không đủ nguồn cung nên tôi phải từ chối” - anh T nói.

Vợ chồng bà Bùi Thị Mai, ông Trần Văn Chung ở ấp 2, xã An Khương còn 20 con dê trong chuồng chưa đủ tiêu chuẩn loại 1 nhưng đã có công ty đóng trên địa bàn thị xã Bình Long đến đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu dê thương phẩm với giá 90 ngàn đồng/kg đối với dê đực loại 1, cao hơn 3 ngàn đồng/kg so với thị trường. Dê loại 2 trở lên thu mua cao hơn so với thị trường 10-15 ngàn đồng/kg. Công ty này nhờ bà Mai phát hợp đồng đến các hộ nuôi dê. Tuy nhiên, không ai ký hợp đồng bởi họ dự đoán giá dê đang “sốt”.

NGUYÊN NHÂN dê hút hàng

Gia đình ông Sinh còn 5 con dê có thể xuất chuồng nhưng ông chưa bán do hiện là mùa mưa, nguồn thức ăn dồi dào. Dự đoán hơn 1 tháng sau giá sẽ lên cao, nguồn thức ăn giảm do bớt mưa ông mới xuất chuồng, dành thức ăn nuôi dê con. Cao điểm vào tháng 1, người chăn nuôi ở Thanh An bán dê nhiều. Tháng 3, giá dê ở Thanh An khoảng 75 ngàn đồng/kg đối với dê đực loại 1. Dê nuôi trong 6 tháng mới có thể xuất chuồng, nếu nông dân giảm đàn vào mùa nắng nay sẽ không còn dê đủ trọng lượng xuất bán.

Thương lái Trung Quốc thu gom dê?

Anh T cho biết: “4-5 tháng trở lại đây, thương lái địa phương thu mua dê xuất cho thương lái Trung Quốc. Họ thu gom dê đực già, ốm yếu, dê bầu, không chê con nào, bao nhiêu họ cũng mua với giá 40 ngàn đồng/kg. Có tuần họ yêu cầu gom 12-15 tấn dê trong tỉnh. Chúng tôi gom lại rồi bán cho họ, ăn chênh lệch. Đã bán dê mẹ sẽ không còn dê sinh sản. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khan hàng như hiện nay”.

Bà Bùi Thị Mai kể: “Đợt này nghe nói dê xuất đi Trung Quốc nhiều. Hôm trước có thương lái mua dê đực già với giá 40 ngàn đồng/kg. Tôi không biết họ đưa đi bằng cách nào”.

Có hay không việc thương lái Trung Quốc gom hàng loạt dê thải loại, dê bầu, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sinh sản, quy mô đàn và dẫn đến khan hàng, tiềm ẩn nguy cơ tăng đàn ồ ạt khiến cung vượt cầu là câu hỏi lớn cần lời giải đáp từ ngành chức năng.

Ông Vũ Văn Cường, Trưởng ấp Trung Sơn nói: “Nguyên nhân khan hiếm dê thương phẩm ở Thanh An hiện nay một phần do số dê già, dê nhỏ con, dê sinh sản nhiều lứa, chất lượng giống kém người chăn nuôi đã bán đi. Đồng thời, trong ấp có nhiều hộ vì cầm cự không nổi qua mùa nắng nên bán mão cả chuồng, như trường hợp hộ ông Phạm Văn Tuệ, nuôi 30 con trong vòng 3 tháng xuất nguyên chuồng, lỗ 20 triệu đồng vào tháng 3. Bởi để lâu càng lỗ do không đủ thức ăn, nhất là thức ăn xanh bổ sung vào mùa nắng nên dê ốm yếu, rớt giá”.

Anh T cũng nhận định, dê ở Thanh An đang khan hiếm, thương lái thu mua nhiều. Trong khi đó, nhu cầu chọn dê làm thực phẩm tiêu dùng ở các nhà hàng, tiệc cưới phía Bắc ngày càng tăng bởi dê là thực phẩm sạch so với các loại thịt khác. Dê tại Bình Phước chủ yếu ăn cành cây, thức ăn ít bị pha trộn các loại cám chất lượng thịt cao hơn, dẫn đến hút hàng. Một nguyên nhân nữa là trước đây giá dê xuống thấp, nhiều hộ phá đàn hoặc ngưng phát triển.

Để dự trữ thức ăn cho dê, ông Sinh trồng 1 sào cỏ, rau lang, bắp, 100 bụi chuối làm thức ăn kèm với cám vào mùa nắng. Đa số những hộ duy trì đàn dê qua mùa nắng ở Thanh An là nhờ chủ động áp dụng cách làm như ông Sinh. Bà Mai nói: “Mình chủ động được nguồn thức ăn, khi dê đủ trọng lượng mới bán, sẽ chẳng ai ép giá được. Chứ bán mão cả chuồng giá rẻ lắm”. Khác với Thanh An, đa số người chăn nuôi ở ấp 2, xã An Khương chỉ bán dê cho mối quen, không bán cho thương lái lạ. Bà Mai luôn chủ động nguồn thức ăn cho dê như ông Sinh vì cho rằng chỉ ăn thức ăn thô xay như cám, bắp hoàn toàn dê sẽ thiếu chất, kháng bệnh kém dẫn đến dễ bị bệnh, chết. Và máy xay là phương tiện không thể thiếu đối với các hộ nuôi dê dùng để nghiền cành cây, cỏ làm thức ăn giúp tiết kiệm được một nửa chi phí. Đó là cách người chăn nuôi ở Hớn Quản duy trì đàn dê qua mùa nắng.

Thanh Mai

  • Từ khóa
42918

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu