Thứ 6, 26/04/2024 03:33:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:44, 06/01/2017 GMT+7

Để tết của sinh viên thêm ấm

Thứ 6, 06/01/2017 | 14:44:00 181 lượt xem

BP - Dạy lớp tối, chị bước lên bục giảng nghiêm nghị nét mặt chào sinh viên. Lớp học hôm nay lác đác năm, bảy người. Không vui, chị hỏi lớp trưởng: “Sao hôm nay lớp vắng nhiều vậy em?”. Giọng lớp trưởng hơi run: “Dạ, thưa cô, mấy bạn đi làm thêm tết chưa đến kịp, một số về quê sớm vì sợ vé xe tăng. Mong cô thông cảm cho lớp!”. Khựng lại, cảm giác bực bội khi nãy nhường chỗ cho sự thông cảm, có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ họng, chị nói: “Cảm ơn em!”.

Tiếng quạt trần xé tan không khí vắng vẻ của lớp học. Chị đang giảng bài thì bỗng bị cắt ngang bởi một cậu sinh viên vào muộn: “Dạ xin lỗi cô, em đi học trễ!”. Chị nghiêm giọng hỏi: “Sao đi học trễ vậy em?”. Gãi đầu, cậu ngại ngùng: “Dạ thưa cô, em phụ bốc hàng cho xong, kẹt xe quá cô ạ!”. Bài giảng vẫn tiếp nhưng dường như thiếu “lửa” truyền đạt, lòng chị ngổn ngang. Hôm nay chị cho lớp nghỉ sớm!

Chị mệt mỏi dắt xe ra khỏi cổng trường, đi về phía ánh trăng rằm tháng chạp. Phải một giờ nữa mới đến nhà, chị chạy xe sát lề, chậm rãi, mặc cho dòng người lướt qua. Hình ảnh lớp học vắng vẻ cứ lởn vởn trong đầu chị. Nghề dạy học còn niềm vui nào bằng sinh viên đi học đủ, hăng hái mê say? Tự hỏi lòng, lâu nay chị chỉ quan tâm đến thái độ, kết quả học tập của sinh viên, chị dửng dưng đến đời sống vật chất của các em? Trường chị dạy là công lập, phần đông sinh viên đến từ các miền quê nghèo khó. Chị bỗng nhớ về thời sinh viên thiếu thốn, bơ vơ. Chị nhớ những đêm muộn đi dạy thêm về phải dốc hết sức đạp xe, mồ hôi túa ra ướt lưng... Những đứa bạn chung phòng với chị ở ký túc xá, đa phần ở miền Tây có giọng nói ngọt, cao ráo, trắng trẻo... nên dễ kiếm được việc làm thêm ngày tết. Còn chị, vừa “quê” vừa nhát nên chọn làm gia sư. Chị mong những buổi làm thêm cuối năm sẽ “dôi” ra để mua đầm tặng các cháu, khăn len ấm áp tặng mẹ, thỏi son hồng cho riêng mình. Chị dạy một cô bé lớp 9 “mất gốc”, đang cần ôn lại toàn bộ kiến thức để thi cuối kỳ. Những buổi chiều vội đạp xe từ trường đến điểm dạy thêm, mồ hôi mẹ, mồ hôi con túa ra như tắm; những ngày trời mưa tầm tã, cặp kính cận “phản chủ” đôi lần khiến chị loạng choạng; những buổi giảng bài khản cổ họng vì bé học quá tệ làm chị tắt tiếng,... Chị không quan tâm vì nghĩ đến cuối mỗi tháng sẽ nhận được tiền công. Số tiền tuy không nhiều nhưng phần nào vơi gánh nặng cho ba mẹ...

Chị nhớ đến sinh viên của mình. Hẳn là chúng cũng chật vật, lo âu vì cuộc mưu sinh, học tập rồi cuối năm mua vé xe, tàu về tết. Cách đây hơn 10 năm, vào một ngày giáp tết, 4 giờ sáng chị đã ôm chăn ra nhà ga chờ bốc số thứ tự để mua vé. Một mình nên chị sợ, trời lạnh lại mệt vì kiệt sức làm thêm những ngày cuối năm mong đủ tiền mua vé về quê và mua vài tấm bánh làm quà tết. Rồi có một năm chị bị bệnh nên không mua được vé tàu, thế là chị đăng ký về quê trên “Chuyến xe mùa xuân” của Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tổ chức dành cho sinh viên khó khăn ở miền Bắc và Trung. Chị nhớ như in năm ấy chở sinh viên về quê là xe buýt. Chị say xe nôn thốc, nôn tháo...

Đường phố về khuya thưa dần, mùi xăng xe, khói, bụi bớt hẳn. Kéo nhẹ khẩu trang xuống, chị hít một hơi xuân thật sâu. Xuân đã về thật rồi! Chị chợt lóe lên suy nghĩ, phải làm gì đó cho sinh viên. Ngày mai chị sẽ gặp lớp trưởng để tìm hiểu từng trường hợp cụ thể. Chị sẽ cố gắng phối hợp tổ chức đoàn - hội của trường giúp các em tìm việc làm thêm an toàn, phù hợp sức khỏe, hỗ trợ vé xe về tết, tặng quà sinh viên nghèo, khó khăn... để các em được đón xuân vui vẻ. Để mai sau, cho dù có bôn ba trong cuộc đời này, những ký ức về cái tết của cuộc đời sinh viên luôn in dấu đẹp, ngọt dịu hương xuân.

Thu Thủy

  • Từ khóa
86490

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu