Thứ 7, 20/04/2024 19:58:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:17, 17/01/2018 GMT+7

Để tết cổ truyền thực sự bình yên

Thứ 4, 17/01/2018 | 09:17:00 137 lượt xem
BP - Đã hơn hai chục năm, tiếng pháo không còn đì đùng ở mỗi nhà vào dịp lễ, tết, nhất là tết cổ truyền của dân tộc. Thế nhưng, những ngày này tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo lậu vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, gây bất an trong nhân dân.

Ngày 8-8-1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 406-TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo trên phạm vi cả nước. Đây thực sự là cuộc “cách mạng” làm thay đổi thói quen, thậm chí đụng chạm khá mạnh đến một tập tục truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam không chỉ ngày tết mà cả trong những nghi thức, lễ hội... Trước khi thực hiện chỉ thị, Việt Nam đã có hàng trăm người chết và hàng ngàn người bị thương do pháo và thuốc pháo gây nên. Về mặt kinh tế, nhờ có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ mà mỗi năm cả nước tiết giảm hàng ngàn tỷ đồng, chấm dứt được việc “đốt tiền” qua tiếng pháo. Phải nói những năm đầu thực hiện Chỉ thị số 406, việc sản xuất, sử dụng pháo nổ được thực hiện triệt để; ở nhiều địa phương, cấm pháo được đưa vào hương ước của làng, quy ước của dòng họ, coi đây là một hành động có văn hóa.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, dịp tết Nguyên đán tình trạng buôn bán, vận chuyển và đốt pháo tái diễn, có lúc rộ lên mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã ban hành rất nhiều chỉ thị, công văn chấn chỉnh, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu... Trong kỳ nghỉ tết Đinh Dậu 2017, cả nước có tới 280 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, tăng 184 trường hợp so với năm 2016. Ngành chức năng cũng phát hiện hàng ngàn vụ buôn bán, vận chuyển pháo lậu các loại ở các địa phương trong cả nước. Điều đó cho thấy sự buông lỏng của ngành chức năng và chính quyền các địa phương. Đồng thời, việc tuyên truyền, giáo dục chưa thực sự hiệu quả; chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa chặt chẽ. Xin lấy ví dụ như Nghị định số 59/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định các loại pháo thuộc danh mục hàng cấm kinh doanh và theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999, những người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2014, việc kinh doanh các loại pháo lại xác định là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, có nghĩa các loại pháo không còn được xem là hàng cấm. Do đó, hành vi sản xuất - kinh doanh, vận chuyển các loại pháo không thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 155 Bộ luật Hình sự. Cuối năm 2016, Quốc hội đã sửa đổi Phụ lục IV Luật Đầu tư 2014, trong đó bổ sung quy định “kinh doanh pháo nổ” vào ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, phụ lục chỉ quy định là “pháo nổ” chứ không phải “các loại pháo”, trong đó có “pháo hoa nổ” lại không thuộc danh mục điều chỉnh của quy định này, tức người sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo hoa nổ không bị xem xét xử lý hình sự. Ai cũng biết, sự nguy hiểm của pháo hoa nổ không hề thua pháo nổ và lợi nhuận từ việc kinh doanh loại pháo này là rất lớn. Đây là kẽ hở cho đối tượng xấu lợi dụng và gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong xử lý, ngăn chặn. Ngày 22-12-2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 340/TANDTC-PC về việc xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán “pháo hoa nổ” trong nội địa. Trong đó nêu rõ: Trường hợp kết luận giám định của cơ quan chuyên môn xác định vật chứng thu giữ là pháo nổ hoặc có đầy đủ các đặc tính của pháo nổ (có chứa thuốc pháo và gây tiếng nổ) thì xem xét, xử lý về hình sự...

Chỉ khi nào việc xử lý buôn bán, vận chuyển và đốt pháo được thực hiện cương quyết, đồng bộ, sát thực tiễn; bỏ được bệnh quan liêu, thành tích, gắn rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân và cộng đồng... thì khi đó tình trạng này mới được ngăn chặn triệt để, tết cổ truyền mới thật sự bình yên và hạnh phúc.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108796

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu