Thứ 3, 23/04/2024 20:26:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:02, 31/10/2015 GMT+7

Đầu hàng địch - phải tử hình

Thứ 7, 31/10/2015 | 10:02:00 476 lượt xem

BP - Điều 406 trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi là những quy định về tội đầu hàng địch, với nội dung như sau: Người nào đầu hàng địch thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Là chỉ huy hoặc sĩ quan; Giao nộp cho địch vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự, tài liệu quan trọng hoặc khai báo bí mật công tác quân sự; Lôi kéo người khác phạm tội; Trong chiến đấu; Gây hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Giao nộp cho địch tài liệu bí mật nhà nước hoặc khai báo bí mật nhà nước; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, tại Điều 322 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định như sau: Người nào trong chiến đấu mà đầu hàng địch,... Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Như vậy, ở tội danh này, trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đã bỏ hình phạt cao nhất - tử hình đối với tội danh này. Theo tôi, việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội đầu hàng quân địch là không phù hợp với truyền thống yêu nước và chống ngoại xâm của dân tộc, trái với đạo đức từ ngàn đời nay của nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, việc bỏ hình phạt này cũng không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Cụ thể, tại Điều 11 Hiến pháp 2013 có quy định: Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị.

Có ý kiến cho rằng, một khi đã đầu hàng quân địch thì cũng có nghĩa là đã theo quân địch để chống lại Tổ quốc Việt Nam, chống lại nhà nước và nhân dân ta. Và một khi đã chống lại cũng có nghĩa là đã phản bội Tổ quốc, phản bội nhân dân, quê hương và chính những người thân của mình. Tại Điều 78 Bộ luật Hình sự hiện hành cũng đã quy định rõ: Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Cao hơn nữa, tại Điều 44 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rằng: Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất. Và một khi đã là tội nặng nhất và không có hành vi phạm tội nào nặng bằng nhưng lại không bị mức án cao nhất, không bị loại trừ ra khỏi cuộc sống của xã hội là điều vô lý. Không những thế, nếu bỏ mức án tử hình ở tội này thì e có kẻ vì ham sống và sợ hy sinh nên sẽ là gương xấu.

Trên đây dẫu sao cũng mới chỉ là suy nghĩ riêng, ý kiến của một vài cá nhân. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu kỹ hãy đưa nội dung này vào dự thảo luật. Bởi quy định này hết sức quan trọng. Vì nó có liên quan tới văn hóa quân sự, truyền thống quân sự từ hàng ngàn năm lịch sử chứ không phải bây giờ. Vì thế, ở đây tôi cũng xin đề xuất với ban soạn thảo là cần phải làm rõ hành vi phản bội Tổ quốc là gì, cụ thể nội hàm của nó là những hành vi gì. Đầu hàng địch có phải là phản bội Tổ quốc không? Hoặc hậu quả của hành vi đầu hàng đó đến mức nào thì phải chịu mức án cao nhất. Hay người đã đầu hàng địch, đầu hàng kẻ thù mà còn có hành vi khai báo, chỉ điểm, giúp sức cho kẻ thù sát hại tính mạng của đồng đội, nhân dân và gây thiệt hại nặng nề cho phong trào cách mạng... thì bị áp dụng mức hình phạt như thế nào? Vì vậy, tôi đề xuất một khi đã khẳng định đúng hành vi đầu hàng địch là phản bội Tổ quốc thì dứt khoát phải bị áp dụng hình phạt cao nhất - tử hình.

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu