Thứ 6, 29/03/2024 03:22:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:25, 25/07/2013 GMT+7

Ðề phòng thời tiết nguy hiểm trên biển

Thứ 5, 25/07/2013 | 08:25:00 101 lượt xem

* Xuất hiện vết sạt lở nghiêm trọng trên đê tả sông Chu. * Bình Phước bùng phát dịch tai xanh.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Trung Trung Bộ kết hợp với đới gió tây nam hoạt động mạnh, nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Ðông có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động.

Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái-lan, khu vực bắc và giữa Biển Ðông có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.


Trên tuyến đê tả sông Chu thuộc xã Thiệu Tiến, (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) xuất hiện vết sụt lở nghiêm trọng

Trong hai ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa, có nơi mưa to, gây thiệt hại cho những hộ trồng dưa bở. Tại thị xã Cửa Lò, đã có hộ trồng dưa bị thiệt hại đến 120 triệu đồng do trận  mưa này  gây ra. Tại tỉnh  Ðồng Tháp, rạng sáng ngày 24-7, nhiều cơn mưa lớn đã khiến hàng nghìn ha lúa thu đông đang làm đòng và trỗ đòng ở các huyện: Thanh Bình, Cao Lãnh, Tháp Mười, Tam Nông bị đổ. Riêng diện tích lúa vụ hè thu sắp thu hoạch của các huyện Tam Nông, Tân Hồng bị mưa lớn làm giập hoàn toàn. Tại huyện Hồng Ngự, gần 600 ha lúa thu đông vừa xuống giống cũng bị ngập. Hiện, các địa phương khẩn trương cho các trạm bơm hoạt động để thoát nước, nhằm xuống giống lại lúa thu đông kịp thời vụ.

Ngày 24-7, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN thành phố Ðà Nẵng tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2013. Từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành của thành phố sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án, kế hoạch PCLB và TKCN, phương án sơ tán nhân dân vùng thường có thiên tai, bão, lụt, sạt lở đất; sơ tán nhân dân vùng hạ du các hồ chứa nước, nhất là các hồ Ðồng Nghệ và Hòa Trung; triển khai di dời các hộ dân sống ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất, lũ quét và xâm thực đến nơi an toàn.

Tại Phú Thọ, ngày 23-7, Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng tổ chức hội thảo "Kết quả khảo nghiệm trạm khí hậu tự động công nghệ iMetos, đề xuất các giải pháp tổng hợp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam". Trước đó, Viện đã lắp đặt, chuyển giao công nghệ và đưa vào vận hành thành công sáu trạm khí hậu tự động công nghệ iMetos do Pessl Instruments tặng cho năm tỉnh: Phú Thọ, Hà Nội, Lào Cai, Hà Giang và Quảng Trị.

Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Thanh Hóa, tuyến đê tả sông Chu, đoạn qua xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang xảy ra vết sạt lở nghiêm trọng. Ðây là vết lở đứng từ 2 đến 2,5 m, chiều dài hơn 40 m, nằm giữa hai mỏ kè bảo vệ dòng sông. Vết sạt lở đã ăn sát vào chân đê đe dọa sản xuất, tính mạng người dân. Hiện nay, huyện Thiệu Hóa đã chuẩn bị vật tư và nguồn nhân lực sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Tại tỉnh Quảng Ngãi,  trên các tuyến đường Tây Trà - Trà Bồng và đường vào các xã Tây Trà đã xuất hiện các điểm sạt lở núi do mưa lớn trong những ngày qua. Hàng chục khối đất núi đã sạt xuống đoạn đường vào xã Trà Xinh và Trà Khê, huyện Tây Trà, gây hư hỏng nặng, giao thông bị cản trở. Trên tuyến đường đèo Eo Chim, đoạn nối giữa tuyến đường Tây Trà và Trà Bồng cũng bị sạt lở.

Vụ lúa xuân năm 2013, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã sản xuất thành công hơn 500 ha lúa tái sinh ở các xã có diện tích đồng chiêm trũng (ruộng cấy một vụ lúa) như Ðoan Hạ, Bảo Yên, Hoàng Xá. Năng suất đạt 70 đến 80 kg sào, tương đương 1,8 đến hai tấn/ha. Mô hình thành công mở ra hướng sản xuất mới cho người dân vùng trũng, đưa hiệu quả kinh tế gấp hai lần so với trước.

Tại huyện Thanh Chương (Nghệ An), bệnh rệp sáp bột hồng đã phát sinh và gây hại  trên địa bàn ba xã: Thanh Ngọc, Thanh Lâm và Thanh Mỹ với tổng diện tích hơn một ha. Ðây là bệnh rệp sáp bột hồng hại sắn (Phenacoocus Manihoti), lần đầu tiên xuất hiện tại huyện Thanh Chương. Cây sắn bị nhiễm với mật độ cao, có thể bị rụng toàn bộ lá làm giảm năng suất củ sắn tới 80-84%. UBND huyện đã đề nghị Nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương phối hợp với các cơ quan chuyên môn điều tra, giám sát chặt chẽ để tránh lây lan ra diện rộng.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương khu vực ngoại thành đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm. Theo quy hoạch đến năm 2020, thành phố sẽ xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ gia súc bảo đảm được 85 đến 99% nhu cầu giết mổ trên địa bàn. Ðến năm 2015, có tám cơ sở giết mổ công nghiệp, đáp ứng 40% nhu cầu giết mổ trâu bò, hơn 50% nhu cầu giết mổ lợn, hơn 43% nhu cầu giết mổ gia cầm và chế biến đạt 12,6% so với nhu cầu.

UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định chi hơn 1,3 tỷ đồng mua 493 nghìn liều vắc-xin để chủ động phòng, chống các bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, giao Chi cục Thú y tổ chức đấu thầu mua dự trữ: 30 nghìn liều vắc-xin phòng bệnh lợn tai xanh, 13 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng và 450 nghìn liều vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm H5N1.

Từ đầu tháng 7 đến nay, các xã, phường trên địa bàn thị xã Bình Long (Bình Phước) đã xảy ra dịch bệnh trên đàn  lợn, nặng nhất ở hai xã Thanh Phú và Thanh Lương với 975 con bị bệnh. Ngày 17-7, Trạm Thú y thị xã đã lấy mẫu gửi cơ quan thú y vùng IV xét nghiệm, kết quả dương tính với bệnh tai xanh. Nhằm ngăn chặn dịch, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp 1.000 liều vắc-xin tai xanh cho các địa phương tiêm phòng và triển khai các biện pháp chống dịch.

Theo Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh hiện có hơn 58 nghìn ha dừa, với sản lượng trung bình khoảng 35,5 triệu trái/tháng. Tuy nhiên, các loại sâu bệnh: bọ cánh cứng, bọ vòi voi, sâu đục trái dừa... diễn biến phức tạp làm  sụt giảm sản lượng dừa trái. Hiện Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đang tiến hành thử nghiệm phun nấm xanh để diệt các loài sâu hại và khuyến cáo người trồng dừa ứng phó với sâu bệnh bằng biện pháp sinh học.

Theo Thông báo số 5986/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý bổ sung dự án "Hỗ trợ phát triển nông nghiệp có tưới" trong danh mục chuẩn bị đầu tư năm 2013 như đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự án đầu tư về công trình và xây dựng năng lực, thể chế quản lý để nâng cao hiệu ích tưới tiêu, góp phần nhiều hơn nữa vào sản xuất, chất lượng lương thực, nâng cao sức cạnh tranh để tăng thu nhập của người dân. Ðồng thời, bảo đảm an toàn công trình trước các rủi ro do bão, lũ cho các tỉnh vùng dự án, bao gồm ba tỉnh miền núi phía bắc: Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ và ba tỉnh miền trung: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam.

(Theo NDĐT)

  • Từ khóa
46124

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu