Thứ 4, 17/04/2024 05:47:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:50, 10/04/2018 GMT+7

Để pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện nghiêm minh

Thứ 3, 10/04/2018 | 06:50:00 244 lượt xem
BP - Ngày 6-2-2018, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng. Theo đó, từ ngày 1-4-2018 các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất sản phẩm cơ khí xây dựng có trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường bằng văn bản định kỳ 1 lần/năm.

Cùng với xu thế phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa thì hoạt động phát triển xây dựng cơ bản là một tất yếu khách quan để tạo ra cơ sở hạ tầng phục vụ quá trình phát triển. Và hệ lụy của nó là những năm gần đây, ô nhiễm môi trường trở thành vấn đề lớn không chỉ của một quốc gia đơn lẻ nào mà là vấn đề nhức nhối của toàn nhân loại.

Nhiều công trình thi công xây dựng chưa được che chắn đầy đủ khiến cát, bụi làm ô nhiễm môi trường xung quanh (ảnh minh họa) - K.B

Ở Việt Nam, ô nhiễm môi trường đang diễn ra với tính chất rất phức tạp, trong đó hoạt động xây dựng là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng. Trong các hoạt động xây dựng thì mức độ bị ảnh hưởng nhiều nhất là môi trường không khí do quá trình thi công, san lấp, đầm nén, vận chuyển nguyên vật liệu gây nên. Ngoài ra, nước thải từ hoạt động xây dựng cơ bản thường được thải trực tiếp ra sông suối, làm ô nhiễm các dòng sông. Không chỉ bị ô nhiễm vì bụi, khí thải, các công trình xây dựng còn “tra tấn” người dân bởi tiếng ồn do phương tiện vận tải và hoạt động thi công như nổ mìn, đóng ép cọc, san lấp, vận chuyển vật liệu xây dựng...

Bình Phước chưa bị sức ép về xây dựng các công trình lớn như các thành phố trung tâm. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường do hoạt động phục vụ ngành xây dựng cũng đã khiến người dân nhiều nơi bức xúc. Một thời gian khá dài, tình trạng khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai, đoạn qua xã Đăng Hà và Thống Nhất (Bù Đăng) không chỉ làm sạt lở nhiều diện tích đất vườn của người dân xuống sông mà các xe trọng tải lớn chuyển cát còn phá nát con đường từ xã Thống Nhất vào Đăng Hà. Đường vừa dặm vá xong lại hư hỏng. Người dân kêu cứu trong một thời gian dài, cơ quan chức năng nhiều lần vào cuộc nhưng nạn cát tặc vẫn dai dẳng, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân và tình hình an ninh trật tự địa phương.

Cuối năm 2016, người dân các ấp 5 và 6, xã Tân Khai (Hớn Quản) đã nhiều lần phản ánh tới cơ quan chức năng về tình trạng ô nhiễm môi trường do một số lò gạch trên địa bàn gây ra. Ngoài khai thác đất làm gạch gây sạt lở vườn cây, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì việc các chủ lò gạch dùng chất thải công nghiệp như bao bì, vải vụn, đế dép cao su... để đốt lò đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Mùi khét, khói đen kịt từ các lò gạch bao phủ một vùng khiến nhiều người mắc bệnh viêm xoang. Trẻ em và người già thì mắc các bệnh về hô hấp. Để ngăn chặn tình trạng sạt lở đất vườn, nhiều hộ dân phải dùng lưới sắt và bao tải đất làm kè hoặc đổ bê tông nhưng không hiệu quả.

Hoạt động đào đắp, san lấp sẽ tạo ra những hệ lụy xấu đến môi trường - Ảnh: B.L

Cùng thời gian này năm ngoái, trên đường ĐT753 đoạn từ cầu Cứ đến ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, nhiều xe ben tải trọng lớn chở đất không phủ bạt, lưu thông làm đất rơi vãi xuống đường, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông và làm ô nhiễm môi trường. Tuyến đường liên tỉnh đi qua xã Tân Hiệp (Hớn Quản) dài khoảng 8km, 3 năm trở lại đây, tần suất lưu thông của xe tải qua tuyến này tăng đột biến. Lưu lượng tăng cộng với xe quá tải đã làm tuyến đường hư hỏng nặng. Dù trên địa bàn xã Tân Hiệp không có mỏ cát, đá nhưng xe tải vận chuyển loại vật liệu này quá tải đi qua cả ngày lẫn đêm. Bởi ngoài tránh trạm thu phí, những xe tải đi qua tuyến đường này còn né được sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Hậu quả là đường bị phá nát. Mùa mưa, mặt đường biến thành các ao nước “bẫy” người và xe lưu thông. Chuyện xe máy sụp hố nước trên đoạn đường này xảy ra như cơm bữa. Dù trước đây huyện Hớn Quản đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa tuyến đường nhưng chưa được bao lâu lại bị xe tải phá. Và còn nhiều khu dân cư, nhiều tuyến đường nữa cũng bị ảnh hưởng bởi các hoạt động khai thác vật liệu xây dựng hoặc nung gạch. Mỗi lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, cử tri lại phản ánh vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có tình trạng ô nhiễm do hoạt động xây dựng gây nên. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề này không đơn giản.

Từ thực trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động xây dựng trên địa bàn cả nước gây ra, trong đó có Bình Phước, việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình tại thời điểm này là rất cần thiết. Thông tư đã quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong công tác bảo vệ môi trường. Vấn đề còn lại là việc triển khai thực hiện nghiêm túc cũng như công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Có như thế mới cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường trong xây dựng và cũng là để bảo đảm pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
93537

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu