Thứ 5, 28/03/2024 15:46:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:55, 11/06/2016 GMT+7

Để phân bón giả, kém chất lượng không còn đất sống

Thứ 7, 11/06/2016 | 07:55:00 135 lượt xem

BP - Vừa qua, Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) quốc gia đã phối hợp với một số đơn vị truyền thông khởi động chương trình “Phân bón giả - tác hại thật”. Chương trình kéo dài 6 tháng với các hoạt động truyền thông, hội nghị, hội thi, hội thảo... nhằm trang bị những kiến thức cơ bản cho người dân trước tình trạng sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng hiện nay.

Theo Bộ Công thương, bình quân mỗi năm cơ quan quản lý thị trường trong cả nước phát hiện, xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm liên quan đến phân bón giả, kém chất lượng. Riêng năm 2015, cả nước đã có gần 1.000 tấn phân bón giả, kém chất lượng bị tịch thu. Những tháng đầu năm 2016, quản lý thị trường một số tỉnh đã lấy mẫu kiểm định về chất lượng và phát hiện tình hình phân bón giả, kém chất lượng đang rất báo động. Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, việc sử dụng phân bón vào hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm khoảng 50% chi phí đầu vào. Hơn nữa, việc sử dụng phân bón rất quan trọng đối với nông dân, bởi đây là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông sản, tức hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng hiện có những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp chân chính. Còn thiệt hại khi người dân mua phải phân bón giả, kém chất lượng rất khó để thống kê. Bởi hậu quả của việc dùng phân bón giả, kém chất lượng trong nông nghiệp không làm cây trồng chết ngay mà bị suy giảm năng suất hoặc kém phát triển.

Vì sao phân bón giả, kém chất lượng lại có đất sống? Nhiều người cho rằng, nguyên nhân do chế tài xử lý việc sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng chưa đủ sức răn đe các đối tượng làm ăn bất chính. Bên cạnh đó, có sự dung túng, bao che cho hành vi sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng từ các cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm. Ngoài ra, hình thức kinh doanh theo kiểu trả góp, trả chậm để trà trộn hàng kém chất lượng; việc tổ chức hội thảo, hội nghị, trình diễn... của nhiều công ty sản xuất - kinh doanh phân bón kém chất lượng với chiêu bài trích hoa hồng cao cho các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tặng quà, làm từ thiện... dẫn tới phân bón giả, kém chất lượng có đất sống.

Với lợi thế của tỉnh nông nghiệp có hàng trăm ngàn héc ta cây trồng các loại, Bình Phước là một thị trường màu mỡ cho các nhà sản xuất - kinh doanh phân bón. Việc các hội, đoàn thể ở Bình Phước bị lợi dụng làm trung gian trong việc bán trả góp, trả chậm phân bón kém chất lượng là chuyện không mới.  Ban đầu, các nhà sản xuất phân bón cũng làm ăn chân chính. Thế nhưng, khi tạo dựng được lòng tin với khách hàng, với các hội, đoàn thể thì sản phẩm của họ bắt đầu kém chất lượng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân. Vì vậy, người dân mong muốn “Phân bón giả - tác hại thật” không chỉ là chương trình truyền thông mà phải trở thành hành động cụ thể của ngành chức năng với những biện pháp mạnh tay hơn nữa để phân bón giả, kém chất lượng không còn đất sống.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu