Thứ 5, 25/04/2024 07:20:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:57, 12/10/2016 GMT+7

Để nông dân “sống được” với cây điều

Hà Thanh
Thứ 4, 12/10/2016 | 07:57:00 154 lượt xem
BP - Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ 5 (khóa X) diễn ra ngày 5-10, nhiều nông dân trong tỉnh đặc biệt chú ý tới kiến nghị của đồng chí Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập về chính sách hỗ trợ người trồng điều và giúp nông dân “sống được” với cây điều. Đã có thời kỳ nhà vườn làm giàu với cây điều, vậy mà bây giờ lại mong “sống được” với cây điều.

Bình Phước là tỉnh có diện tích và năng suất điều lớn nhất cả nước. Với người nông dân, cây điều gần gũi như người bạn đồng hành trong cuộc sống. Nhờ cây điều mà rất nhiều hộ nghèo đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Thực tế đã xác nhận cây điều có giá trị kinh tế nhưng thói quen của người nông dân lại luôn thay đổi theo nhu cầu của thị trường. Vì vậy, khi sản phẩm của cây trồng nào có giá trị cao người ta lại đua nhau trồng nhưng khi giá xuống thấp lại chặt bỏ. Mấy năm trở lại đây, mủ cao su liên tục rớt giá do không có thị trường tiêu thụ, giá hạt điều thô tăng lên. Thời điểm hiện tại, giá hạt điều trong nước tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay (55 ngàn đồng/kg) nhưng người trồng điều không được hưởng lợi vì đã bán non, chưa kể trước đó, hàng trăm ngàn héc ta điều bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cây khác. Điều này cho thấy, nếu người nông dân không “thủy chung” với cây điều thì không chỉ khó khăn cho gia đình họ mà còn gây mất ổn định vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Tỉnh chưa bao giờ có chủ trương chặt cây điều để mở rộng diện tích cao su, vì điều được xem là một trong những cây trồng chủ lực. Theo đề án phát triển bền vững ngành điều Bình Phước đến năm 2020, tỉnh đưa ra mục tiêu ổn định diện tích cây điều theo hướng thâm canh, tập trung cải tạo, tái canh diện tích già cỗi năng suất thấp. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đưa ra các giống mới, hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh xen canh nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) vừa có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để phối hợp tìm cách nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hạt điều, nhằm tận dụng cơ hội mới mở rộng ngành điều. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện đề án phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020, thời gian tới cần tổng nhu cầu vốn trên 684 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 50,5 tỷ đồng; Trung ương hỗ trợ 101 tỷ đồng; từ doanh nghiệp 44,5 tỷ đồng; vốn vay và nông dân tự có trên 488 tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2017. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã kiến nghị UBND tỉnh sớm bố trí nguồn vốn thực hiện đề án cải tạo vườn điều, hình thành vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, làm cơ sở triển khai nhân rộng trong những năm tới.

Để khai thác tốt tiềm năng đất đai, phát triển thế mạnh của cây điều ở Bình Phước vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng không phải là vấn đề quá khó. Ngày 26-8-2016, Liên hiệp Hợp tác xã điều Bình Phước được thành lập trên cơ sở nhu cầu liên kết của nông dân trong sản xuất điều trên địa bàn tỉnh. Thành viên của Liên hiệp Hợp tác xã điều Bình Phước gồm các hợp tác xã: Đồng Nai, Thành Phát (Bù Đăng), Bù Gia Mập (Bù Gia Mập) và Phước Hưng (Đồng Xoài) với 478 thành viên. Đây là tổ chức hợp tác xã đầu tiên có quy mô lớn của ngành điều trong tỉnh. Thời gian tới, nếu Liên hiệp Hợp tác xã điều Bình Phước hoạt động hiệu quả thì người nông dân không chỉ “sống được” mà sẽ có nhiều cơ hội để làm giàu với cây điều.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu