Thứ 3, 19/03/2024 09:29:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:57, 08/06/2013 GMT+7

Đề nghị TQ thỏa thuận không dùng vũ lực ở Biển Đông

Thứ 7, 08/06/2013 | 07:57:00 1,251 lượt xem


Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Phó Tổng tham mưu trưởng Trung Quốc Thích Kiến Quốc trước cuộc Đối thoại

Nhân dịp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 4 diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), phóng viên tại Bắc Kinh đã phỏng vấn Thứ trưởng về một số nội dung liên quan đến cuộc đối thoại năm nay. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn: 

Việt-Trung xây dựng lòng tin chiến lược quốc phòng

- Xin Thứ trưởng cho biết bối cảnh trong nước và quốc tế năm nay có gì mới so với các lần đối thoại trước tạo điều kiện cho Đối thoại lần thứ 4 đạt được những kết quả tích cực? 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Về bối cảnh quốc tế, năm 2013 không khác nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn có một số điểm đáng chú ý là các nước đã tăng nhịp độ hợp tác và quan hệ quốc tế cả trên bình diện song phương và đa phương. 

Tất cả các nước đều mong muốn mở rộng hợp tác và phát triển trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động to lớn do sự can dự mạnh mẽ của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Sự can dự đó một mặt đem lại lợi ích hợp tác và phát triển cho tất cả các nước, mặt khác cũng đem lại nhiều thách thức mới về chính trị, kinh tế và quốc phòng, an ninh. 

Riêng trong lĩnh vực quốc phòng, các hoạt động can dự đã gây ra những cọ xát lợi ích. Nếu thiếu kiểm soát hoặc không giải quyết được những cọ xát này, các bên rất dễ dẫn đến xung đột hoặc có những động thái không tích cực như chạy đua vũ trang. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những vấn đề an ninh phi truyền thống và tranh chấp lãnh thổ. 

Những vấn đề này đang trở nên nóng hơn và phức tạp hơn do sự can dự mạnh mẽ của một số nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy, mong muốn của tất cả các quốc gia trong khu vực là tận dụng tối đa những mặt tích cực của việc mở rộng hợp tác quốc tế ở châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ xung đột. 

Đối với Việt Nam, trong quá trình hội nhập, năm 2013 cũng như từ đầu thế kỷ 21 đến nay, chúng ta rất cần mở rộng quan hệ quốc tế để phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình này chúng ta cũng như nhiều quốc gia khác gặp phải nhiều thách thức. 

Thứ nhất và cũng là thách thức lớn nhất là phải giữ được độc lập, tự chủ trong môi trường hội nhập phát triển. 

Thứ hai là phải giải quyết được những vấn đề an ninh liên quan trực tiếp đến Việt Nam, trong đó có vấn đề an ninh nguồn nước, tranh chấp lãnh thổ, an ninh biển v.v.. Đây cũng là điều được tất cả các nước thừa nhận và chia sẻ với mong muốn thúc đẩy hợp tác để tăng cường các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực. 

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đối thoại Shangri-La vừa qua đã nêu rất rõ chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam. Đối với quốc phòng và an ninh là hòa bình và tự vệ. Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 4 cũng với tinh thần ấy. Làm sao để có được hòa bình, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, độc lập tự chủ, bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam và tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác với nước bạn Trung Quốc. Đó là bối cảnh chung đã tạo ra nhiệm vụ cụ thể cho đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng với Trung Quốc lần này. 

- Xin Thứ trưởng cho biết những thành quả chủ yếu của đối thoại lần này?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đối thoại chiến lược quốc phòng lần này có dấu ấn rất quan trọng là chúng ta kỷ niệm 10 năm hai nước ký hiệp định về hợp tác quốc phòng. Đây là dịp để Việt Nam và Trung Quốc cùng kiểm điểm lại quá trình hợp tác 10 năm qua và cùng rút ra một số điểm cơ bản. 

Trước hết, hai bên khẳng định tính đúng đắn của Hiệp định quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc. Trong thời gian qua, hiệp định này đã giúp thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai nước phát triển rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. 

Thứ hai, quan hệ quốc phòng giữa hai nước trên thực tế đã trở thành một trong những quan hệ rất quan trọng trong tổng thể mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, thực sự xứng đáng với vai trò của quốc phòng và đúng với chủ trương về quốc phòng của Việt Nam là quốc phòng để tự vệ, quốc phòng để củng cố hòa bình. 

Thứ ba, Việt Nam và Trung Quốc đã thống nhất vạch ra định hướng tiếp tục hợp tác trong giai đoạn 2013-2016 và xa hơn là đến năm 2020 với những nội dung phong phú hơn, đầy đủ hơn, cụ thể hơn và thực tế hơn. 

Sáng 6-6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cũng đã nói với chúng tôi rằng buổi hội đàm giữa tôi và Trung tướng Thích Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc - rất thực tế, rất trung thực, thẳng thắn, không né tránh và đưa đến những nhận thức chung rất quan trọng về củng cố quan hệ quốc phòng để xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc cùng phát triển. Đó cũng là cơ sở để cùng giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa hai nước. Quốc phòng có nhiệm vụ tạo dựng môi trường hòa bình, không khí hòa bình để các cấp lãnh đạo của hai quốc gia giải quyết những vấn đề còn tồn tại. 

Một điểm nổi bật nữa dù không lớn, đó là chúng ta và Trung Quốc lần này đã chính thức khánh thành đường dây nóng liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc phòng. Việc này có ý nghĩa thực chất để lãnh đạo hai Bộ Quốc phòng thường xuyên liên lạc khi cần thiết, tránh để xảy ra tình huống xử lý sai hoặc có những hiểu lầm đáng tiếc. Bên cạnh đó, ý nghĩa biểu tượng của sự kiện này cũng rất lớn. Nó thể hiện sự gắn bó, liên lạc thường xuyên mà thông thường chỉ có giữa các nước có quan hệ láng giềng gắn bó. 

-Thứ trưởng đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn trong việc xây dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước trong thời gian tới?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Khái niệm xây dựng lòng tin chiến lược giữa lãnh đạo hai quân đội được Trung tướng Thích Kiến Quốc đưa ra trong cuộc gặp bên lề Đối thoại Shangri La lần thứ 12, trong đó nêu 4 nguyên tắc mà nguyên tắc đầu tiên là xây dựng lòng tin chiến lược giữa lãnh đạo hai quân đội để vun đắp lòng tin chiến lược giữa hai Đảng, hai Nhà nước để cùng hợp tác phát triển. Xây dựng lòng tin chiến lược trước nay luôn được đặt ra, nhưng đây là lần đầu tiên hai bên đề ra nhiệm vụ rất cụ thể là xây dựng lòng tin chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. 

Để xây dựng lòng tin chiến lược, hai bên cần dựa trên cơ sở hai vấn đề chính. Một là đảm bảo hòa bình ở khu vực biên giới, trên biển và trong các giao tiếp, tạo ra môi trường hòa bình hữu nghị. Hai là lòng tin ấy phải được thực hiện bằng những nội dung hợp tác cụ thể. 

Trong đối thoại chiến lược quốc phòng, chúng tôi đã vạch ra các nhiệm vụ rất cụ thể, trong đó nêu rõ cần làm sâu sắc hơn những nội dung hợp tác hiện có và thúc đẩy những nội dung hợp tác mới liên quan đến việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. 

Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn cũng khẳng định Trung Quốc sẽ giúp đỡ Việt Nam trong nhiệm vụ mới này trên lĩnh vực đa phương về tham gia gìn giữ hòa bình; mong muốn hai bên mở rộng các nội dung hợp tác, khai thác hết tiềm năng hiện có giữa hai Bộ Quốc phòng. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ chọn ra điểm sáng để vun đắp trở thành điểm tiêu biểu cho quan hệ quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc. Ý kiến của Bộ trưởng Thường Vạn Toàn có nội dung rộng rãi, nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc để có được thành quả mới trong thời gian tới.

- Thứ trưởng đánh giá như thế nào về triển vọng ký kết thỏa thuận về việc không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực giữa hải quân hai nước hiện đang được hai bên thảo luận?

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Đề nghị ký thỏa thuận về việc lực lượng hải quân hai nước tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuyệt đối không nổ súng trên Biển Đông là do Việt Nam đưa ra cách đây hai năm với mục đích vừa mang tính thực chất, vừa nhằm giáo dục cán bộ chiến sỹ, giáo dục những người sử dụng vũ khí trên biển tuyệt đối không được sử dụng vũ khí một cách khinh suất. Rõ ràng là hai quân đội không thể có chuyện chủ trương sử dụng vũ lực hoặc nổ súng, nhưng từng cán bộ chiến sĩ, từng con người cụ thể có thể có những manh động. Vì vậy, chúng ta phải đặt ra bài toán giáo dục cán bộ, chiến sĩ, kể cả người dân không được có những hành động gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương và lợi ích quốc gia. 

Việc Việt Nam đưa ra đề xuất tuyệt đối không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực ở Biển Đông sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Việt Nam bình tĩnh xử lý trên cơ sở hợp tác, đảm bảo lợi ích chính đáng và bình đẳng. Phía Trung Quốc đã ghi nhận và cho nghiên cứu nghiêm túc về đề nghị này. 

Bộ trưởng Thường Vạn Toàn cũng nói rằng hiện giữa hai nước đã có rất nhiều cam kết, nhiều bản tuyên bố chung về việc không sử dụng vũ lực trong xử lý các tranh chấp ở Biển Đông. Hai quân đội trước mắt tuyệt đối tuân thủ những cam kết này. Tôi cho rằng việc khẳng định ấy, việc nhắc lại những cam kết ấy là một bước tiến rất tích cực để giáo dục chiến sĩ và xây dựng bầu không khí hòa bình, không chỉ cho hai quân đội, mà đặc biệt còn cho nhân dân hai nước và người dân các nước khác trong khu vực để không một thế lực nào có thể xuyên tạc chủ trương hòa bình, hữu nghị giữa hai quốc gia.

(Theo TTXVN)

  • Từ khóa
8421

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu