Thứ 7, 20/04/2024 22:19:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:51, 16/11/2018 GMT+7

Để nâng chất trạm y tế xã

Thứ 6, 16/11/2018 | 08:51:00 128 lượt xem

BP - Theo số liệu tại hội nghị trực tuyến nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở vừa được Bộ Y tế tổ chức, cả nước hiện có 11 ngàn trạm y tế xã, phường, thị trấn. Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hoạt động của trạm y tế xã vẫn còn hạn chế. Đây là thực trạng đáng buồn của ngành y tế Việt Nam. Bởi mạng lưới y tế xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhưng hiệu quả mang lại không như mong muốn.

Thực tế cho thấy, ngoài những ngày tiêm chủng cho trẻ, uống vitamin A, tiêm vắc-xin theo đợt, khám thai định kỳ cho phụ nữ thì số người đến khám chữa bệnh (KCB) tại các trạm y tế rất ít. Nhiều nơi, số bệnh nhân đến KCB đạt tỷ lệ rất thấp, dù trạm y tế được xây dựng khang trang với khuôn viên rộng, đẹp và ở vị trí trung tâm. Nhiều trạm y tế có bác sĩ, thầy thuốc có trình độ chuyên môn nhưng để thực hiện được các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến mà Bộ Y tế quy định cho trạm y tế rất khó bảo đảm do trang thiết bị chủ yếu là những dụng cụ đơn giản như: Bộ khí rung, máy đo huyết áp, bộ đỡ đẻ, ống nghe... còn những thiết bị cần thiết trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh như: Máy đo đường huyết, máy siêu âm, máy điện tim... chưa được trang bị. Chưa kể, phần lớn người dân chưa tin tưởng chất lượng khám bệnh ở trạm y tế do chất lượng nguồn nhân lực phục vụ KCB yếu; đa số trạm y tế chưa quản lý được bệnh mãn tính; việc KCB bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn do thiếu hoặc không có thuốc, mức chi trả thấp... Do vậy, tâm lý người bệnh là lên tuyến trên để được KCB tốt hơn, nhất là từ khi thông tuyến bảo hiểm y tế.

Không thể phủ nhận, nhờ có mạng lưới y tế tuyến xã mà hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được triển khai thường xuyên, rộng khắp, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết: “Nhiều người muốn dẹp bớt trạm y tế nhưng nếu dẹp thì ai lo tiêm chủng phòng dịch, huyết áp, nhỏ vitamin A cho trẻ và kế hoạch hóa gia đình, vì nhiều nơi người dân vẫn ra trạm y tế xã để đặt vòng nếu dẹp bỏ thì phần việc này ai lo?”.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều căn bệnh hiểm nghèo, đòi hỏi phải có kỹ thuật cao với chi phí KCB lớn. Trong khi đội ngũ cán bộ y tế ở các trạm y tế phải “ngồi chơi xơi nước” do ít người bệnh đến khám, còn bệnh viện tuyến trên thì luôn quá tải và đội ngũ y, bác sĩ mất nhiều thời gian để giải quyết những bệnh thông thường, không còn thời gian đầu tư, nghiên cứu cách chữa trị những bệnh phức tạp. Điều đó cho thấy, vừa gây lãng phí nguồn nhân lực, vừa tốn kém thời gian và tiền bạc của bệnh nhân.

Để khắc phục những hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trạm y tế, giải pháp đầu tiên là phải tập trung mọi nguồn lực đầu tư, mua sắm các trang thiết bị hiện đại phục vụ KCB. Đối với đội ngũ bác sĩ ở các trạm y tế, ngành y tế cần thực hiện việc luân chuyển giữa y tế cơ sở với tuyến huyện, thậm chí cả tuyến tỉnh để học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Thường xuyên đưa bác sĩ tuyến huyện, tỉnh về KCB ở trạm y tế, tạo sự an tâm, tin tưởng cho người dân. Hướng đến mô hình trạm y tế xã phải thực hiện các nhiệm vụ quản lý bệnh không lây nhiễm, xây dựng được hồ sơ sức khỏe cho người dân.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu