Thứ 4, 24/04/2024 21:58:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:56, 27/11/2016 GMT+7

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng già làng

Chủ nhật, 27/11/2016 | 14:56:00 994 lượt xem

BP - Toàn tỉnh hiện có 82 hội đồng già làng, 521 già làng, 349 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua 15 năm hoạt động của hội đồng già làng, 5 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS cho thấy già làng, hội đồng già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò, vị trí của mình, là trung tâm đoàn kết, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với đồng bào các dân tộc, là điểm tựa của đồng bào các DTTS trong phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn nữa, cần một quy chuẩn thống nhất trong tổ chức hoạt động cũng như chính sách đối với hội đồng già làng, già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS.

CẦN MỘT QUY CHUẨN THỐNG NHẤT

Qua khảo sát thực tế và theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tổ chức và hoạt động của hội đồng già làng, người có uy tín đến nay chưa có một quy chuẩn thống nhất trên địa bàn tỉnh. Tổ chức, hoạt động của hội đồng già làng còn nhiều mặt chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật, chưa rõ ràng về tổ chức và cơ chế quản lý hoạt động, chưa phù hợp với chức năng là một tổ chức “hội đồng”. Quyền, nghĩa vụ, lợi ích của già làng và người có uy tín có nhiều mâu thuẫn. Công tác quản lý cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.

Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý và tổ chức hoạt động của các già làng, người có uy tín, huy động hiệu quả các lực lượng tại chỗ trong việc ổn định và phát triển vùng đồng bào DTTS của địa phương, Tỉnh ủy chỉ đạo thống nhất chủ trương kiện toàn hội đồng già làng và người có uy tín thành một tổ chức tại Thông báo số 2319-TB/TU ngày 21-4-2014.

Già làng Điểu Lê tuyên truyền đồng bào DTTS ấp 2, xã Minh Lập (Chơn Thành) giữ đất sản xuất để phát triển kinh tếGià làng Điểu Lê tuyên truyền đồng bào DTTS ấp 2, xã Minh Lập (Chơn Thành) giữ đất sản xuất để phát triển kinh tế

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc chủ trì xây dựng đề án kiện toàn, củng cố tổ chức, hoạt động của già làng và người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh và được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất đề án tại Thông báo số 149-TB/TU ngày 26-4-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đề án, chế độ chính sách đãi ngộ già làng ngang bằng với người có uy tín theo quy định và sử dụng nguồn hỗ trợ hoạt động cho hội đồng già làng để thực hiện chính sách. Hiện nay, khoản hỗ trợ hoạt động cho tập thể hội đồng già làng được quy định tại Nghị quyết số 17/2015/NQ-HĐND ngày 14-12-2015 của HĐND tỉnh. Để thay đổi từ hỗ trợ hoạt động cho tập thể hội đồng già làng sang chi thực hiện chế độ chính sách cho từng cá nhân già làng cần thiết phải có nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời, để chính sách mang tính ổn định lâu dài, thống nhất giữa chế độ đối với già làng và người có uy tín thì các quy định cần mang tính khoa học, đồng bộ. Do đó, theo kế hoạch, trong kỳ họp tới, HĐND tỉnh sẽ xem xét ban hành một nghị quyết về chế độ chính sách đối với già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh để điều chỉnh về chính sách đối với người có uy tín được quy định tại Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 13-12-2013 của HĐND tỉnh.

SẼ CÓ THÊM NHIỀU KHOẢN HỖ TRỢ

Chế độ chính sách mới đối với già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS phải phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng DTTS, góp phần thực hiện tốt công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo tờ trình dự thảo nghị quyết UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX (cuối năm 2016), chế độ chính sách đối với già làng và người có uy tín sẽ như sau:

Già làng Điểu Lên và các đại biểu dự đại hội các dân tộc thiểu số toàn tỉnh - Ảnh: S.HGià làng Điểu Lên và các đại biểu dự đại hội các dân tộc thiểu số toàn tỉnh - Ảnh: S.H

Già làng sẽ được cấp ủy, chính quyền các cấp định kỳ hoặc đột xuất phổ biến, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương; được cấp không thu tiền 1 tờ/số các báo Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Bình Phước, Bản tin Dân tộc thiểu số và miền núi... Bên cạnh đó, già làng còn được hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần như sau: Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán, tết của các DTTS, mức chi không quá 400 ngàn đồng/người/năm. Thăm hỏi, hỗ trợ vật chất khi ốm đau phải nằm viện điều trị từ tuyến huyện trở lên, mức chi không quá 400 ngàn đồng/người/năm.

Các già làng được thăm hỏi gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai; thăm viếng bố (bố đẻ, bố chồng hoặc bố vợ, bố nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật), mẹ (mẹ đẻ, mẹ chồng hoặc mẹ vợ, mẹ nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật), vợ, chồng, con (con đẻ, con nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật) của già làng và bản thân già làng qua đời, cơ quan cấp tỉnh mức chi không quá 1 triệu đồng/hộ/năm; cơ quan cấp huyện mức chi không quá 500 ngàn đồng/hộ/năm.

Già làng, người có uy tín cũng được hỗ trợ bảo hiểm y tế, xăng xe như sau: Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho già làng, người có uy tín theo hình thức bảo hiểm tự nguyện (đối với già làng, người có uy tín chưa được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế theo các chính sách khác). Hỗ trợ kinh phí xăng xe đi lại 100 ngàn đồng/tháng/già làng, người có uy tín.

Bên cạnh đó, ngân sách còn chi quản lý tổ chức, hoạt động của già làng, người có uy tín: phụ cấp thêm cho cán bộ dân tộc - tôn giáo cấp xã bằng 0,2 mức lương cơ sở/người/tháng.

H.Châu

  • Từ khóa
16914

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu