Thứ 7, 20/04/2024 09:55:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:16, 23/05/2017 GMT+7

Để nạn bằng giả không có đất sống

Thứ 3, 23/05/2017 | 07:16:00 137 lượt xem

BP - Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội vừa triệt phá một đường dây làm bằng giả tinh vi nhất từ trước đến nay. Tại hiện trường, công an đã bắt 6 đối tượng, thu giữ gần 100 con dấu giả các loại của các trường đại học cùng hơn 1.000 phôi văn bằng và phương tiện làm giả. Những tấm bằng được làm giả tinh vi, từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy, đều rất giống bằng thật. Các đối tượng khai nhận trung bình 1 tháng tiêu thụ ra thị trường hơn 30 văn bằng giả.

Có thể nói, việc bóc gỡ đường dây làm bằng giả tinh vi vào thời điểm các thí sinh đang chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia và chọn trường để học chuyên nghiệp là hết sức quan trọng. Nó khiến những người muốn có bằng cấp để “làm le” với thiên hạ hoặc để chạy chọt vào các vị trí việc làm nhưng không chịu học hành đàng hoàng mất hy vọng, nhưng đồng thời cũng chỉ ra một thực trạng vô cùng đáng buồn về nạn gian lận bằng cấp ở nước ta hiện nay. Rõ ràng có cầu thì sẽ có cung, việc các đối tượng khai nhận mỗi tháng tiêu thụ hơn 30 văn bằng giả đủ thấy lo ngại về những tấm bằng đang nằm trong hộc tủ của bộ phận tổ chức cơ quan nhà nước các cấp. Chẳng ai dám chắc trong số những tấm bằng đang nằm lấp ló trong các hộc tủ kia có bao nhiêu cái là giả!?

Có nhiều nguyên nhân chính khiến người ta sử dụng bằng giả. Thứ nhất là bệnh háo danh, không học nhưng muốn có bằng cấp cao để lòe thiên hạ. Thứ hai, quan trọng hơn là để mưu sinh, để tiến thân một cách dễ dàng, thuận lợi hơn. Và nguyên nhân nữa khiến nạn dùng bằng giả hoành hành là thái độ của chúng ta. Khi phát hiện cán bộ, công chức dùng bằng giả thì việc xử lý chưa kiên quyết. Ở nhiều cơ quan, khi phát hiện cán bộ, nhân viên sử dụng bằng giả thì chỉ xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan nhà nước quá đặt nặng tiêu chuẩn bằng cấp trong tuyển dụng, tăng lương, thăng chức nhưng lại thiếu biện pháp kiểm tra, đánh giá thực chất. Bằng cấp và thực tài không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận. Nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Bình Phước, thời gian qua đã tích cực ban hành chính sách thu hút nhân tài, nhưng vì quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp học vị, học hàm nên không đạt được mục tiêu thu hút nhân tài đích thực. Do nhu cầu mưu sinh, cần việc làm ổn định mà một bộ phận dân chúng vẫn coi bằng cấp là yếu tố quyết định nên đã bị cuốn vào vòng xoáy xã hội, vòng xoáy của những toan tính thiệt hơn, của lợi ích kinh tế. Nhìn vào thực tế một người phải vất vả nhiều năm mới có được tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ, đại học khiến nhiều người “nản”, tính tới phương án mua bằng tiền.

Bằng giả có đất sống là do những kẽ hở được tạo ra từ bộ máy công quyền. Một bộ phận cán bộ công tác trong các cơ quan này đã không vượt qua được lòng tham, dẫn đến việc tuyển dụng sai quy định. Họ thiếu sự công bằng và đức độ cần thiết để giữ vai trò là nhà tuyển dụng. Để nạn bằng giả không còn đất sống, cần thực hiện tốt việc quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, từng vị trí công tác. Bên cạnh đó phải trả lương cao cho người lãnh đạo, trả lương gánh với trách nhiệm, buộc họ thực hiện tốt vai trò nhà quản lý của mình. Bởi người đứng đầu cơ quan, đơn vị hơn ai hết là người hiểu rõ năng lực, sở trường, sở đoản của nhân viên. Một cán bộ thanh liêm, mẫu mực, mẫn cán đương nhiên sẽ chuyển hóa thành tài cuốn hút quần chúng, được dân tin yêu và mến phục.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu