Thứ 6, 29/03/2024 15:26:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:00, 03/01/2019 GMT+7

Để mùa vàng... mãi bội thu

Thứ 5, 03/01/2019 | 08:00:00 153 lượt xem
BP - Năm 2018 - cột mốc đáng nhớ đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang Bình Phước là những thành tựu vượt bậc về kinh tế - xã hội, nhất là kết quả trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, để sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được những mùa vàng bội thu thì Bình Phước còn rất nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tái cơ cấu ngành.

Toàn tỉnh hiện có 455.783 ha cây trồng các loại, trong đó những loại cây có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, tiêu và cây ăn trái... chiếm diện tích khá lớn. Bình Phước còn có gần 500 ngàn con heo, 5 triệu con gia cầm các loại, hàng chục ngàn con trâu, bò, dê và 2.100 ha diện tích nuôi trồng thủy sản... Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2018 đạt hơn 23.400 tỷ đồng, bằng 105,2% so với năm 2017, cao nhất từ trước đến nay. Sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, trang trại, hợp tác xã kiểu mới... phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đạt hơn 58 triệu đồng/người/năm. Ngoài những thành tựu đã nêu, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là “cú hích” làm đổi thay diện mạo nông thôn Bình Phước.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở tỉnh còn đối mặt với những khó khăn, thách thức làm cho sự phát triển thiếu ổn định, chưa bền vững. Đó là những tác động do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra; toàn cầu hóa khiến sự cạnh tranh giữa các nền kinh tế diễn ra ngày càng gay gắt. Trong khi đó, tâm lý sản xuất của người nông dân vẫn chạy theo thời vụ, nhu cầu thị trường, thiếu vốn nên quy mô còn manh mún nhỏ lẻ, tự phát và tự “bơi” là chủ yếu. Sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng chưa có và thiếu thương hiệu nên thị trường tiêu thụ nông sản phụ thuộc nhiều vào thương lái, dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá đã kìm hãm sự phát triển của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Trước những hạn chế nêu trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh đến năm 2020. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sự phát triển bền vững, phát triển tập trung vào các cây trồng giá trị xuất khẩu cao. Mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô lớn, hiện đại nhằm phát huy tối đa lợi thế từng vùng, từng địa phương trong tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, ngoài khắc phục các hạn chế, khó khăn đang tồn tại thì ngành nông nghiệp tỉnh cần tăng cường tham mưu cấp ủy trong việc thực hiện các giải pháp, định hướng về phát triển sản xuất. Trong đó, cần sớm hình thành và phát triển chuỗi liên kết toàn diện, gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản và đảm bảo lợi ích kinh tế cho nông dân, doanh nghiệp. Chủ động tham mưu các hoạt động xúc tiến thương mại về nông nghiệp; xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản và sản phẩm từ chăn nuôi.

Ngành nông nghiệp cũng cần chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh về chính sách ưu đãi đầu tư để mời gọi các doanh nghiệp có năng lực, tâm huyết đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, sản xuất hàng phụ trợ... nhằm từng bước hình thành nền sản xuất lớn, giá trị cao theo hướng hiện đại, khép kín và bền vững.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109023

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu