Thứ 5, 28/03/2024 19:18:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:04, 07/12/2017 GMT+7

Để Luật Hợp tác xã năm 2012 đi vào thực tiễn

Thứ 5, 07/12/2017 | 08:04:00 1,133 lượt xem

Qua triển khai, thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 107 HTX với 62 HTX đang hoạt động. Trong đó có một số HTX kiểu mới, hoạt động theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu mang lại hiệu quả. Gần 10 ngàn thành viên tham gia tại các HTX với tổng vốn huy động trên 1.200 tỷ đồng, tạo thu nhập bình quân cho thành viên, người lao động trên 41 triệu đồng/người/năm. Đóng góp khu vực HTX vào tổng sản phẩm của địa phương và nền kinh tế tỉnh là 0,91%.

nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, theo đánh giá của UBND tỉnh tại hội nghị sơ kết Luật HTX năm 2012 diễn ra vào tháng 7-2017, hoạt động của các HTX bộc lộ nhiều hạn chế. Mô hình HTX còn đơn điệu, chủ yếu làm nông nghiệp, lúng túng trong đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên. Phần lớn HTX có quy mô hoạt động nhỏ, vốn ít, doanh thu thấp, còn mang tính hình thức. Trong khi thực tế nhu cầu liên kết lớn nhưng số HTX liên kết được với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm còn rất khiêm tốn. Nông dân phần đông vẫn phải tự làm, tự bán, gặp nhiều rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều triển vọng từ mô hình Hợp tác xã dịch vụ - thương mại - sản xuất Hưng Phát, xã Tân Lợi (Đồng Phú)

Nguyên nhân là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ngành, huyện, thị và người dân chưa hiểu rõ tầm quan trọng, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, Luật HTX năm 2012; còn nhầm tưởng với mô hình HTX kiểu cũ thời bao cấp. Nguồn lực tài chính hỗ trợ HTX phát triển chưa đáng kể. Năng lực quản lý của hội đồng quản trị và giám đốc HTX yếu, chưa tách bạch rõ chức năng quản lý với điều hành HTX; chưa đưa ra được cơ chế, chế tài điều chỉnh quan hệ hợp tác giữa các thành viên và giữa thành viên với HTX để từ đó các thành viên có ý thức tham gia đầy đủ và phát huy tinh thần trách nhiệm vào hoạt động chung.

Ông Ma Ly Phước, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, HTX có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Tuy nhiên, các HTX trong vùng đồng bào DTTS ở tỉnh đang hoạt động cầm chừng do vốn ít. Năng lực, trình độ điều hành, quản lý HTX yếu. Ông Ma Ly Phước kiến nghị cơ quan liên quan, các huyện, thị xã cần ưu tiên, linh động trong phân bổ, lồng ghép các nguồn vốn vay cho HTX, đồng thời soát xét, tổ chức lớp tập huấn để cập nhật, nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực nhằm thúc đẩy HTX trong vùng đồng bào DTTS phát triển. Đó cũng là mong muốn của ông Điểu Cước, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Phú Tiến, xã Phú Sơn (Bù Đăng), một trong số ít HTX hoạt động tương đối hiệu quả hiện nay trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Cần tạo động lực cho HTX nông thôn mới

Đến thời điểm này, tại 15 xã đã về đích nông thôn mới và 12 xã phấn đấu được công nhận trong năm nay, mỗi xã đều có ít nhất 1 HTX. Nhìn chung các HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Thành viên tham gia HTX trên tinh thần tự nguyện và nhận thức rõ quyền, lợi ích khi tham gia. Tuy nhiên, hiện vốn hỗ trợ HTX như “muối bỏ biển”, chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, rất khó tạo động lực, sức bật cho các HTX phát triển.  

Vườn điều ghép khảo nghiệm của HTX nông nghiệp Bình Phước

Năm 2017, cùng với 11 xã khác, Thành Tâm (Chơn Thành) phấn đấu về đích nông thôn mới. Thành Tâm cũng đã vận động, thành lập được HTX măng tre Thành Tâm. Để có đối tác, bao tiêu sản phẩm lâu dài cho các thành viên, ban lãnh đạo HTX đã dành nhiều thời gian, công sức “nếm mật, nằm gai” tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Sau một thời gian, HTX đã tìm được đối tác, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của 12 thành viên với diện tích hơn 20 ha măng tre hiện có, tổng thu nhập ước đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Ngoài bán măng tươi, HTX đã xây dựng kế hoạch, tận dụng cây tre già làm than hoạt tính, đầu tư máy sấy làm măng khô, phục vụ thị trường lúc trái vụ.

Triển vọng là vậy nhưng vốn điều lệ của HTX chỉ mới huy động được 600 triệu đồng, còn quá nhỏ so với quy mô, tiềm năng phát triển. Hơn nữa, diện tích đất trồng măng còn ít, các thành viên HTX phải thuê đất với giá cao. Trong khi đó, văn phòng làm việc, kho bãi lại chưa có điều kiện đầu tư nên mọi hoạt động, giao dịch của HTX phải tạm nhờ nhà ông Nguyễn Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX. Khó khăn của HTX măng tre Thành Tâm cũng đang là thực trạng chung của nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh.

Từ một xã nghèo, đông đồng bào DTTS, nhưng qua quá trình phấn đấu, cuối năm nay xã Tân Lợi (Đồng Phú) sẽ về đích nông thôn mới. Khó khăn lắm xã mới vận động được các thành viên trong Tổ hợp tác trồng cây có múi ở ấp Thạch Màng thành lập HTX dịch vụ - thương mại - sản xuất Hưng Phát, với gần 50 ha cây ăn trái các loại, chủ yếu là cam, quýt, bưởi. Vườn cây được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, phát triển tốt, cho năng suất cao. Thế nhưng, nỗi lo lớn nhất của bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, đó là toàn bộ diện tích đất của các thành viên trong HTX hiện vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên không có cơ sở thế chấp tài sản vay vốn đầu tư.

Triển vọng từ một mô hình HTX kiểu mới

Trên cơ sở tài sản đã gầy dựng được nhiều năm qua, gồm 11 nhà máy, 1 công ty xuất khẩu kiêm nhà máy sản xuất, 1 nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh, tháng 10-2016, HTX nông nghiệp Bình Phước, hay còn gọi là Bình Phước Farm được thành lập theo Luật HTX năm 2012, tại ấp Suối Da, xã Tân Hưng (Đồng Phú). Sau hơn 1 năm hoạt động, HTX được UBND tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đánh giá là điển hình tiêu biểu.

Anh Phùng Hữu Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Bình Phước là người được đào tạo bài bản, học hỏi nhiều kinh nghiệm từ mô hình làm kinh tế hợp tác ở nước ngoài. Vì vậy, anh quyết tâm xây dựng HTX trở thành HTX nông nghiệp đầu tiên, chuyên sâu về cây điều của tỉnh với mục tiêu kết nối, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm hạt điều với quy trình khép kín từ nông dân, doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Với năng lực tài chính hiện có, bước đầu HTX đã tự đầu tư văn phòng điều hành, nhà kho rộng 1.000m2, có sức chứa trên 2.000 tấn điều thô. Ban đầu, HTX chỉ có 34 thành viên, đến nay tăng lên 510 người.

Với quan điểm muốn phát triển bền vững phải đầu tư, nghiên cứu, thử nghiệm, cách đây hơn 3 tháng, HTX nông nghiệp Bình Phước đã mạnh dạn ghép khảo nghiệm 2 ha điều hơn 15 năm tại xã Tân Phước (Đồng Phú). Đến nay, cành điều ghép phát triển tốt và sẽ cho trái bói vào mùa tới. Sau đó, HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng, góp phần tăng năng suất, sản lượng, tạo ra nguồn cung dồi dào, đảm bảo chất lượng, làm cơ sở giúp HTX thực hiện việc chỉ dẫn địa lý, khẳng định thương hiệu hạt điều tại địa phương và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.

Kế hoạch trong 2 năm tới của HTX nông nghiệp Bình Phước là triển khai 1 dự án khoảng 50 ha, làm nơi thử nghiệm tập trung nghiên cứu về giống, phương pháp kỹ thuật, công nghệ, phân bón và chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật. Nơi đây sẽ tập hợp những loại giống có năng suất cao, phát triển các loại phân bón hữu cơ được tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp, thử nghiệm các phương pháp canh tác mới, cấy ghép canh, xen canh... Ngoài tự thân vận động, anh Quang mong muốn được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, nhất là tiếp cận các vốn vay ưu đãi, cho thuê đất để HTX sớm hiện thực hóa mục tiêu đề ra, góp phần đưa Luật HTX năm 2012 ngày càng đi vào thực tiễn địa bàn tỉnh.

Quốc Phong

  • Từ khóa
19507

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu