Thứ 5, 18/04/2024 15:25:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:25, 29/06/2014 GMT+7

Để Luật Đất đai đi vào cuộc sống

Chủ nhật, 29/06/2014 | 09:25:00 116 lượt xem
BP - Luật Đất đai năm 2013 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29-11-2013 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Như vậy, thời gian luật này có hiệu lực chỉ còn tính bằng ngày, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật thì hiện còn có nhiều quy định chưa rõ ràng, khó giải thích về mặt từ ngữ và khó khả thi, khó áp dụng vào cuộc sống.

Cụ thể tại khoản 26, Điều 3 có giải thích về tổ chức sự nghiệp công lập hoạt động về dịch vụ đất đai có quy định: Tổ chức sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có chức năng thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định của pháp luật. Và vấn đề ở đây là luật không quy định rõ cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... nào có thẩm quyền thành lập ra tổ chức sự nghiệp công lập này? Hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở cấp nào, trung ương, tỉnh hay cấp huyện được phép thành lập?

Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 11 quy định về tổ chức hoạt động dịch vụ trong quản lý, sử dụng đất đai như sau: Tổ chức sự nghiệp có thu, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 điều này thì được cấp phép hoạt động hoặc được đăng ký hoạt động dịch vụ trong quản lý, sử dụng đất đai. Trong khi khoản 3, Điều 11 quy định điều kiện và thủ tục cấp phép hoạt động, đăng ký hoạt động dịch vụ trong quản lý, sử dụng đất đai như sau: a - Bộ Tài chính quy định điều kiện và thủ tục cấp phép hoạt động, đăng ký hoạt động tư vấn về giá đất; b - Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định điều kiện hoạt động, đăng ký hoạt động tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dịch vụ về thông tin đất đai; điều kiện và thủ tục cấp phép hoạt động, đăng ký hoạt động dịch vụ về đo đạc và bản đồ địa chính.

Theo quy định này, Bộ Tài chính quy định điều kiện và thủ tục cấp phép hoạt động, đăng ký hoạt động tư vấn về giá đất đai. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan có thẩm quyền quy định điều kiện hoạt động, đăng ký hoạt động tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dịch vụ về thông tin đất đai; điều kiện và thủ tục cấp phép hoạt động, đăng ký hoạt động dịch vụ về đo đạc và bản đồ địa chính... mà không phải là cơ quan có thẩm quyền thành lập các doanh nghiệp sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ đất đai. Và điều này sẽ gây khó khăn cho người dân. Nếu họ cần khiếu nại thì sẽ không biết khiếu nại ở đâu, ai đứng ra giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực này.

Chưa hết, tại Điều 66 của Luật Đất đai năm 2013 có quy định: 1. UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: a) Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b, khoản 2 điều này; b) Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn. 2. UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: a) Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; b) Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam... Như vậy, luật quy định cụ thể về cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất. Đồng thời, từ Điều 74 đến Điều 94 quy rõ các trường hợp được bồi thường khi thu hồi đất. Tuy nhiên, trong luật không có một điều hay khoản nào quy định thẩm quyền ban hành quyết định về bồi thường. Và điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý, cho người dân trong việc khiếu kiện tại các vụ án hành chính.

Chừng nào những bất cập trên được giải quyết thì những quy định của Luật Đất đai năm 2013 mới thực sự đi vào cuộc sống.   

N.V

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu