Thứ 6, 19/04/2024 08:22:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 11:13, 24/05/2017 GMT+7

Để lao động nữ yên tâm làm việc

Thứ 4, 24/05/2017 | 11:13:00 77 lượt xem

BP - Bộ luật Lao động gồm 17 chương, 242 điều thông qua ngày 18-6-2012 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5-2013. Toàn bộ Chương X (từ Điều 153 đến Điều 160) là những quy định riêng đối với lao động nữ. Trong đó, quy định về quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ; kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ; đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ; chăm sóc sức khỏe và các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho lao động nữ. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2015/NĐ-CP, ngày 1-10-2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15-11-2015.

Đã hơn 1 năm triển khai thực hiện song nhiều quy định vẫn chưa đi vào thực tế. Ví dụ Điều 9 của nghị định quy định: Căn cứ điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ (1). Khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo (2). Trên thực tế, đối với những doanh nghiệp làm ăn có uy tín, hiệu quả, để khuyến khích và giữ chân người lao động thì việc hỗ trợ tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền giữ trẻ, mẫu giáo... là chuyện đương nhiên và họ đã thực hiện từ nhiều năm qua. Còn với những doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, phải nợ lương người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, chậm nộp thuế... nên khoản chi phí hỗ trợ lao động nữ có con trong độ tuổi đi nhà trẻ, mẫu giáo - dù rất thấp cũng khó được đáp ứng.

Về chăm sóc sức khỏe và cải thiện điều kiện lao động nữ, nghị định quy định người sử dụng lao động phải lắp đặt (hoặc khuyến khích lắp đặt) phòng vắt trữ sữa để lao động nữ nuôi con nhỏ vắt và trữ sữa tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế; doanh nghiệp phải có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp cho lao động nữ tại nơi làm việc theo đúng quy định về tiêu chuẩn vệ sinh, phúc lợi của Bộ Y tế... là những quy định khó áp dụng vào thực tế. Đơn cử như đối với lao động nữ là trong ngành cao su. Do đặc thù công việc trên vườn cây nên điều kiện để doanh nghiệp xây dựng phòng vắt trữ sữa, buồng tắm, nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn theo quy định cho lao động nữ khó có thể thực hiện.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục ngàn lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp. Phần lớn trong số này đến từ nhiều địa phương, vùng, miền trong cả nước, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Để họ yên tâm làm việc lâu dài thì các chủ doanh nghiệp sử dụng lao động cần có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thỏa đáng, nhất là nhà ở, xây dựng cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo... Bởi đang có một thực tế là không ít lao động nữ phải xin nghỉ việc ở nhà để chăm con vì không có người trông giữ.

Những quy định trong Nghị định số 85/2015/NĐ-CP thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với lao động nữ; tạo điều kiện để lao động nữ vươn lên trong công việc, cuộc sống và bình đẳng với nam giới. Tuy nhiên, rất nhiều quy định lại mang tính động viên, khuyến khích là chủ yếu nên người sử dụng lao động thực hiện thì tốt mà không thực hiện cũng... chẳng sao, bởi không có quy định chế tài xử lý đi kèm. Đối với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khi lợi nhuận đặt lên hàng đầu thì việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ càng dễ bị họ làm ngơ.

Chính Trực

  • Từ khóa
29639

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu