Thứ 6, 19/04/2024 10:46:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:29, 31/10/2017 GMT+7

Để không còn tình trạng công trình khoa học “đút ngăn kéo”!

Thứ 3, 31/10/2017 | 08:29:00 152 lượt xem

BP - Đại hội đại biểu Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh Bình Phước lần thứ III đã thành công tốt đẹp. Tại đại hội, nhiều ý kiến tâm huyết của lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học Trung ương và giới trí thức trong tỉnh đã tham mưu, hiến kế để hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học trên địa bàn tỉnh thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực hơn. Trong những ý kiến tâm huyết đó, người viết rất ấn tượng về ý kiến của tiến sĩ Hoàng Mạnh Bình, hội viên Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh.

Ghi nhận vai trò kết nối hiệu quả của Liên hiệp hội cũng như sự lớn mạnh của giới trí thức, khoa học trong tỉnh thời gian qua, song ông Bình vẫn băn khoăn, trăn trở khi cho rằng, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng nhiều; đồng thời qua 4 lần tham gia hội thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp Trung ương, Bình Phước đã đoạt nhiều giải. Thế nhưng cho đến bây giờ, chưa có một văn bản nào cho thấy những công trình nghiên cứu khoa học cũng như những sáng chế đoạt giải của tỉnh được ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Ông Bình nhấn mạnh: Chúng ta đang sử dụng ngân sách để nghiên cứu khoa học thì đừng để trở thành “dây leo” bám vào ngân sách.

Thực ra, vấn đề tiến sĩ Hoàng Mạnh Bình nêu lên không chỉ riêng của Bình Phước mà phổ biến trong cả nước. Từ nhiều năm qua, bình quân mỗi năm Nhà nước chi khoảng 1.300 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ, nhưng phần lớn đề tài nghiên cứu xong lại xếp ngăn kéo hoặc hiệu quả ứng dụng rất thấp. Người viết còn nhớ tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, khi ông Nguyễn Quân còn làm Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng về tình trạng công trình nghiên cứu khoa học “đút ngăn kéo”. Thậm chí có đại biểu chất vấn gay gắt: “Có hay không những công trình không có khoa học mà chỉ để tiêu tiền?”. Khi đó Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đã lý giải có 3 dạng đề tài nghiên cứu phải “xếp ngăn kéo”. Một là những nghiên cứu cơ bản - là những nghiên cứu “đi trước thời đại”. Hai là những nghiên cứu ứng dụng, nhưng phải chờ quá trình thương mại hóa và sự chấp nhận của xã hội. Ba là những sản phẩm nghiên cứu không bám sát yêu cầu thực tiễn mà chỉ theo cảm tính của người làm khoa học nên sau nghiên cứu không tìm được địa chỉ ứng dụng, đành “đút ngăn kéo”. Tuy nhiên, các đại biểu và ngay cả Chủ tịch Quốc hội lúc đó là ông Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, đó là sự lãng phí lớn.

Tại Bình Phước, dù chúng ta tham gia muộn màng vào 2 cuộc thi sáng tạo kỹ thuật cấp quốc gia dành cho người lớn và lứa tuổi học sinh, nhưng lần nào Bình Phước cũng đoạt giải. Đặc biệt có em Đậu Bá Kiên 2 lần giành huy chương bạc cuộc thi sáng tạo trẻ châu Á. Ngoài ra, rất nhiều nông dân có những sáng tạo trong sản xuất, như 2 anh em nông dân ở xã Long Hà (Phú Riềng) nhờ lai tạo thành công giống điều ghép đã đạt năng suất 5 tấn điều hạt/ha. Hay nông dân Nguyễn Bá Thịnh - người trồng tiêu cấp quốc tế ở Lộc Ninh còn được nhiều người biết đến bởi sáng chế tưới nước “ba trong một” rất độc đáo và hiệu quả... Tuy nhiên, những sáng chế đó sau khi nhận giải đến nay vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống.

Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, thật đáng buồn là chúng ta vẫn cứ tự nhận mình là quốc gia có “công nghệ lạc hậu”. Đã đến lúc không thể cứ “khiêm tốn” mãi như thế mà cần phải kiện toàn bộ máy nhân lực khoa học - công nghệ và quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học - công nghệ nhằm nâng cao tính ứng dụng của các đề tài, dự án, để không còn tình trạng sáng chế, công trình khoa học “đút ngăn kéo” nữa!

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu