Thứ 7, 20/04/2024 15:46:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:18, 10/03/2017 GMT+7

Để không còn những mùa “quýt đắng”

Thứ 6, 10/03/2017 | 15:18:00 138 lượt xem
BP - Nhà nông trồng quýt đường nghịch mùa trên địa bàn tỉnh đang thu hoạch trong tâm trạng không vui khi phải bán với giá chỉ bằng ½ cùng thời điểm này năm 2016. Đây cũng là thời điểm thu hoạch mì của nông dân. Và xót xa hơn người trồng quýt đường rất nhiều, nông dân trồng mì năm nay không chỉ mất mùa mà giá thu mua còn xuống đáy trong biểu đồ nhiều năm qua, dẫn tới thua lỗ nặng, nhiều chủ vườn không muốn thu hoạch vì giá bán không đủ tiền công nhổ.

“Mùa ngọt quýt đường”, “Thu tiền tỷ mỗi năm từ quýt đường”, “Quýt đường lên ngôi”, “Đổi đời từ 2 ha quýt đường”, “Tỷ phú quýt đường ở Lộc Hưng”, “Thu nhập cao từ cây quýt đường”, “Tin vui với người trồng mì”, “Làm giàu nhờ thuê đất trồng mì”... Đó là tựa đề một số bài viết trên Báo Bình Phước về trồng quýt đường và trồng mì trên địa bàn tỉnh trong 3 năm qua. Quýt đường, mì cũng như nhiều loại nông sản khác và nông dân Bình Phước cũng như nông dân trên khắp cả nước vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn sau vài mùa cho “vị ngọt”, lại trở nên “đắng ngắt”.

Đã biết bao lần cử tri, đại biểu dân cử gửi câu hỏi đến cơ quan chức năng, lên tới diễn đàn Quốc hội, rằng khi nào sản phẩm của nhà nông ổn định đầu ra, vừa đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường, vừa bảo đảm không rơi vào tình cảnh ế ẩm đến mức hốt đổ đi cũng không xong vì tốn thêm chi phí! Một sự thật đau xót trong ngành nông nghiệp nước ta tồn tại nhiều năm qua, đó là càng được mùa, nông sản càng mất giá. Đây là “căn bệnh kinh niên”, là bài toán đặt ra đối với gần như tất cả mặt hàng nông sản nhưng ngành nông nghiệp chưa tìm ra lời giải. Thêm một điều khó lý giải nữa là ai cũng dễ dàng “bắt mạch” được nguyên nhân dẫn tới thực tế này là bởi tình trạng sản xuất tự phát, bị động đầu ra. Thế nhưng cả các nhà quản lý ngành nông nghiệp và người nông dân lại không “kê đơn” được hiệu quả, thậm chí ngay cả khi có “đơn”, có “thuốc”, nông dân Việt Nam cũng... bỏ ngoài tai chẳng chịu “uống”.

Sau hơn 30 năm đổi mới, 20 năm công nghiệp hóa, khoảng 70% số dân Việt Nam vẫn sống dựa vào ngành nông nghiệp. Trải qua nhiều đợt suy thoái kinh tế toàn cầu, suy thoái kinh tế khu vực, ngành nông nghiệp luôn là chỗ dựa an toàn cho nền kinh tế nước ta. Thế nhưng, thêm một thực tế đau xót nữa, nền nông nghiệp Việt Nam mặc dù có vị trí, vai trò quan trọng như vậy, song cho đến bây giờ vẫn “manh mún”, “tự phát”, mạnh ai nấy trồng, mạnh xã nào xã ấy “quy hoạch”, mạnh huyện nào huyện ấy chọn cây chủ lực, mạnh tỉnh, thành nào tỉnh, thành ấy tìm hướng đi... Thậm chí, trong một mảnh vườn, nông dân Việt Nam trồng tới năm bảy loại cây, mỗi cây một ít để đề phòng “thất” cây này gỡ cây khác, mất giá loại này gỡ lại loại khác... Thế nên, chỉ “ông trời” mới biết năm sau quýt đường, rau cải, sầu riêng... của nông dân Việt Nam có sản lượng bao nhiêu. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt và thời đại cần tính toán chính xác bài toán cung - cầu, cách làm nông nghiệp của chúng ta cầm chắc thất thế.

Có thể thấy “bức tranh” nông nghiệp của chúng ta khác hẳn với ở những nước có nền nông nghiệp phát triển. Đó là những cánh đồng bạt ngàn ngút tầm mắt chỉ trồng một loại nông sản, chỉ nuôi một loài vật. Chỉ khi đó phương tiện cơ giới hiện đại, giải pháp khoa học tiên tiến mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Khi đó năng suất, chất lượng mới được nghiên cứu sao cho kết quả tối đa. Khi đó bài toán cung - cầu mới có các con số chính xác, cụ thể, nhằm đưa ra quyết định sản xuất ra sản lượng phù hợp với thị trường... Và chỉ khi đó người nông dân mới không phải thu hoạch những mùa nông sản “đắng” nữa.

Trần Phương

  • Từ khóa
108593

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu