Thứ 6, 29/03/2024 15:43:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:44, 07/02/2018 GMT+7

Để không còn những cái chết vì rượu, bia

Thứ 4, 07/02/2018 | 07:44:00 107 lượt xem

BP - Chương trình thời sự 12 giờ trưa ngày 4-2 của VTV1 có bản tin cho biết, chỉ trong tháng đầu của năm 2018 ở Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã có 12 ca nhập viện do ngộ độc rượu, trong đó 4 ca tử vong. Tại hội thảo chủ đề “Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018”, do Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức ngày 31-1-2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, những năm gần đây, mỗi dịp tết lại đau lòng chứng kiến những đợt ngộ độc rượu và việc lạm dụng rượu, bia gây tác hại rất lớn trong đời sống xã hội.

Tác hại của rượu, bia đã được cảnh báo nhiều, liên tục nhưng hình như khi lễ, tết đến thì nhiều người lại “quên”. Vì vậy hậu quả đau lòng liên quan đến rượu, bia những ngày này vẫn gia tăng. Ngoài việc có thể bị ngộ độc, rượu, bia còn là thủ phạm gây ra các vụ tai nạn giao thông, đánh giết nhau, hiếp dâm... và là “đầu vào” của hàng trăm loại bệnh tật. Thống kê cho thấy, rượu là nguyên nhân của 31% các vụ đánh giết nhau, 33% các vụ hiếp dâm và 18% các vụ tai nạn giao thông. Trong 7 ngày nghỉ tết Đinh Dậu 2017 có 4.474 trường hợp đến bệnh viện cấp cứu, trong đó 550 trường hợp được xác định nguyên nhân do rượu, bia. Trong số này có 20 trường hợp đã tử vong. Tính ra, trung bình mỗi ngày tết Đinh Dậu có khoảng 70-80 người nhập viện do đánh nhau mà nguyên nhân từ rượu, bia.

Làm thế nào để hạn chế việc lạm dụng rượu, bia? Câu hỏi này không mới và đã được đặt lên bàn của nhiều hội nghị, hội thảo; được trả lời trong các văn bản pháp luật nhưng trên thực tế vẫn rất khó kiểm soát. Thống kê của ngành công thương cho thấy, năm 2017 người Việt Nam tiêu thụ 4 tỷ lít bia, 270 triệu lít rượu được sản xuất và tiêu thụ, trong đó có một lượng rượu lớn không nhãn mác, không rõ nơi sản xuất, không biết chất lượng. Chính những loại rượu “3 không” pha bằng cồn công nghiệp methanol đang là nguyên nhân trực tiếp gây ra ngộ độc và bệnh tật. Do đó, mỗi dịp lễ, tết lại xảy ra những cái chết vì rượu, bia. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Đất nước ngày càng văn minh, chất lượng cuộc sống tăng lên, không thể để trong lúc vui vầy xuân mới lại có nhiều người ra đi vì rượu do kém hiểu biết. Ngoài ra, ngộ độc rượu còn do đạo đức của các nhà sản xuất, vì quyền lợi, lợi nhuận mà bất chấp tính mạng của người dân, đặc biệt là rượu có methanol”.

Thay đổi thói quen uống rượu, bia trong những dịp lễ, tết là việc khó, cần có thời gian. Tuy nhiên, sẽ không khó nếu mọi người đều hiểu rõ tác hại khôn lường của việc lạm dụng rượu, bia. Vui xuân đón tết nhưng không nên “quá chén”, đặc biệt là phải thực hiện nghiêm túc quy định “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. Với ngành chức năng, việc cần làm ngay là kiểm soát chặt thị trường, cấm tuyệt đối các loại rượu độc và bán rượu, bia cho vị thành niên. Triển khai thực hiện quy định đưa chất chỉ thị màu (xanh-methylen) vào cồn công nghiệp (methanol), bởi đây là giải pháp hữu hiệu ngăn chặn việc pha cồn công nghiệp methanol để làm thành rượu uống. Ngay trong thời gian trước và trong các dịp lễ, tết, các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất rượu không bảo đảm chất lượng. Chính quyền địa phương kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến rượu thủ công, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu