Thứ 6, 19/04/2024 07:34:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:18, 29/11/2019 GMT+7

Để hội nhập, doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới

Thứ 6, 29/11/2019 | 15:18:00 167 lượt xem
BP - Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng đã có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn ngân sách, tạo việc làm cho người lao động. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới mang đến cho các doanh nghiệp rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Để cạnh tranh thành công, đòi hỏi từng doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới cả về khoa học, công nghệ lẫn tư duy trong quản trị kinh doanh.

Được hỗ trợ 1,3 tỷ đồng từ dự án nông thôn miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2009, Công ty cổ phần ong mật Bình Phước ở xã Nha Bích, huyện Chơn Thành đã đầu tư mua máy hạ thủy phần thực hiện việc xử lý mật ong đạt tiêu chuẩn HACCP, đặc biệt với công nghệ tách nước khỏi mật ong, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng tốt. Công ty cũng đã sản xuất thêm sản phẩm rượu báo gấm với 100% mật ong lên men tự nhiên. Ông Bùi Minh Hà, Giám đốc công ty khẳng định: Nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ mà năng suất, chất lượng sản phẩm của công ty được nâng lên. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục cho ra thị trường sản phẩm sữa ong chúa.

Giám đốc Công ty cổ phần ong mật Bình Phước Bùi Minh Hà giới thiệu sản phẩm của công ty

Theo báo cáo, đến nay, Bình Phước có hơn 7.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thời gian qua, cùng với cả nước, đội ngũ doanh nhân của tỉnh ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên. Đây là những yếu tố quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải những rào cản liên quan đến cơ chế, pháp luật, chính sách, môi trường đầu tư, đặc biệt là yếu tố về năng lực quản trị.

Ông Tạ Quang Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng) cho biết: Không có một doanh nghiệp nào là không gặp khó khăn cả. Kinh doanh là câu chuyện của tương lai, có nghĩa chúng ta làm hôm nay nhưng kết quả là của ngày hôm sau. Vì vậy, công tác dự đoán là khó khăn nhất trong ngành chế biến điều cũng như mọi ngành kinh tế. Đó là khó khăn cơ bản nhất mà các doanh nghiệp phải xác định trong chiến lược kinh doanh của mình.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, doanh nghiệp cần phát huy năng lực cốt lõi của mình và những chiến lược kinh doanh bền vững. Đây sẽ là những bước đi vững chắc để các doanh nghiệp phát triển trong tương lai. Việc hội nhập cũng cần hiểu là không chỉ đặt hàng hóa, dịch vụ vào môi trường cạnh tranh mà cả bộ máy quản lý cũng cần thay đổi, vươn lên để đủ sức điều hành. Trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động sang phòng ngự.

 Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải đạt được chuẩn về công nghệ và quản trị để có thể kết nối với các doanh nghiệp lớn, kết nối với thị trường. Không lo về quy mô nhỏ, chúng ta chỉ sợ không đạt chuẩn, các doanh nghiệp không thể liên kết được với nhau, không thể liên kết với các doanh nghiệp lớn và liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu.

Như vậy có thể nói, trước những khó khăn thách thức của nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp cần có những đổi mới phù hợp để tồn tại và phát triển. Sức ép cạnh tranh là có, nhưng đó chưa phải là thách thức lớn, mà lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, đổi mới tư duy và chọn cho mình hướng đi phù hợp với khả năng chuyên môn, tài chính và sự đam mê của bản thân doanh nghiệp.

Lệ Quyên

  • Từ khóa
45145

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu