Thứ 6, 29/03/2024 03:22:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:25, 21/11/2017 GMT+7

Để được nhận đồng lương xứng đáng

Thứ 3, 21/11/2017 | 08:25:00 182 lượt xem
BP - Ngày 13-11-2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Một trong những nội dung của nghị quyết này là từ ngày 1-7-2018 sẽ tăng mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng, tăng thêm 90 ngàn đồng/hệ số.

Đáng lẽ, tăng lương phải là tin vui đối với những người làm công ăn lương. Thế nhưng ngay trong cơ quan tôi, nhiều người đón nhận thông tin này một cách hờ hững. Có người nói, so với công sức họ bỏ ra để nhận mức lương hiện hưởng và thời giá hiện nay thì mức tăng thêm 90 ngàn đồng/hệ số chẳng thấm tháp vào đâu, bởi lương chưa tăng thì giá đã rục rịch tăng, mà giá đã lên thì khó xuống. Vả lại, ngay trong đội ngũ những người làm công ăn lương hiện vẫn đang tồn tại mức chênh lệch khá cao giữa những cán bộ, công chức làm việc tại khối các cơ quan kinh tế so với khối đoàn thể - cho dù họ có cùng trình độ, bằng cấp. Sự thiếu công bằng trong chế độ tiền lương đã tồn tại nhiều năm qua nhưng Chính phủ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. 

So với những lần tăng lương trước thì lần tăng này mức chênh lệch cao nhất. Điều đó cho thấy sự cố gắng vô cùng lớn của Chính phủ, nhất là khi phải lo trả lương cho một bộ máy quá cồng kềnh. Ai cũng hiểu, bộ máy hiện nay là gánh nặng quá lớn đối với ngân sách. Bộ máy quá cồng kềnh, ngân sách không thể gánh nổi thì lương thấp. Thế nhưng lương thấp lại dẫn đến một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn thu nhập khác để bổ sung. Và đây chính là nguyên nhân sâu xa của nạn tham ô, tham nhũng. Cái vòng luẩn quẩn này nếu không giải quyết được gốc rễ thì sẽ mãi ì trệ, làm cản bước tiến trên con đường dựng xây đất nước.

Cùng với bộ máy cồng kềnh thì cách trả lương hiện nay chưa đảm bảo công bằng, cán bộ, công chức chưa đủ sống từ lương và quan trọng hơn là việc trả lương không theo vị trí công việc, không đánh giá đúng giá trị sức lao động, đóng góp của người lao động. Câu hỏi đặt ra là vì sao lương thấp nhưng nhiều người vẫn tìm mọi cách để có một “chân” trong cơ quan nhà nước? Ấy là bởi có một bộ phận cán bộ, công chức sống chủ yếu bằng “lậu”. Những bổng lộc từ vị trí việc làm của họ mang lại gấp nhiều lần lương. Thực tế là không ít cán bộ có mức lương rất khiêm tốn nhưng có tài sản khủng. Họ không chỉ xây biệt phủ hay cho con đi du học, mà còn mua nhà ở nước ngoài và thường xuyên đi du lịch châu Âu.

Việt Nam vẫn là nước nghèo nhưng nhiều người cho rằng nguyên do là bởi chúng ta quản lý đồng tiền chưa hiệu quả, để những kẻ cơ hội lợi dụng kẽ hở pháp luật để bòn rút ngân sách hoặc thu lợi bất chính từ việc sách nhiễu người dân, doanh nghiệp. Nếu quản lý tốt ngân sách nhà nước, không để thất thoát trong đầu tư, không có những đại án ngàn tỷ như thời gian qua thì sẽ không thiếu tiền cho việc cải cách tiền lương.

Ngày 25-10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW - một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc thực hiện hiệu quả nghị quyết này có liên quan trực tiếp đến cải cách tiền lương. Bởi nếu tinh gọn được bộ máy, lấy tiền lương của 2 người “ngồi chơi xơi nước” để trả cho 1 người làm việc thực sự thì chắc chắn lương sẽ cao. Khi ấy cán bộ, công chức sẽ không còn hờ hững mà phải nỗ lực trong công việc để được nhận đồng lương xứng đáng.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu