Thứ 5, 25/04/2024 05:50:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:47, 26/07/2014 GMT+7

Để đờn ca tài tử vang xa

Thứ 7, 26/07/2014 | 08:47:00 139 lượt xem
BP - Họ là những nông dân với bộn bề lo toan cho cuộc sống. Nhưng đờn ca tài tử (ĐCTT) đã đưa họ trở thành những nghệ sĩ. Họ đờn cho người và cho chính mình. Sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2013, phong trào ĐCTT lan tỏa nhanh hơn đến các thôn, ấp trên địa bàn tỉnh. Bình Phước hiện có 14 câu lạc bộ ĐCTT với 232 hội viên nhưng chưa có ai được phong tặng danh hiệu nghệ nhân.

Tiếng hát miệt vườn

Vừa lùa đàn dê vào chuồng, một phụ nữ chừng 50 tuổi vừa ngân nga “Từ là từ phu tướng, bửu kiếm sắc phong lên đàng, vào ra luống trông tin chàng...”.  Nghe những câu hát ngọt ngào, tôi dừng chân làm quen. Bà là Nguyễn Thị Cẩm (54 tuổi) ở thôn Phú Tiến, xã Phú Trung (Bù Gia Mập).

Nhà ở xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) nhưng anh Đoàn Văn Huyện vẫn sinh hoạt đều đặn với câu lạc bộ ĐCTT ở thôn Phú Tiến, xã Nghĩa Trung (Bù Gia Mập)

Bên trong mỗi người dân ở Phú Tiến còn mang đậm chất miền Tây dù đã đến lập nghiệp theo chương trình hợp tác định canh, định cư giữa tỉnh Sông Bé cũ với tỉnh Bến Tre khá lâu. “Mỗi khi nghe tiếng đờn, tiếng hát là lòng rạo rực. Thậm chí có nhiều chị phải trốn chồng, con để đi nghe hát, nghe đờn” - chị Nguyễn Thị Hương Giang thổ lộ.

Nhà ở xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) nhưng anh Đoàn Văn Huyện thuộc lòng đoạn đường từ nhà đến thôn Phú Tiến vì anh thường xuyên tham gia câu lạc bộ ĐCTT tại đây. Ngày nào anh không nghe, không đánh đờn thì ngày đó cứ thẫn thờ, ăn không ngon, ngủ không yên. Anh xuất thân trong gia đình có truyền thống đam mê nghệ thuật ĐCTT ở tỉnh Trà Vinh. Ông nội của anh từng làm chủ gánh hát nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh và Long An. Các thành viên trong gia đình ai cũng biết đờn, biết hát. “ĐCTT với tôi như máu cần cho sự sống của con người. Tiếng đờn, cây đờn như người bạn tâm giao, có thể chia sớt mọi nỗi niềm” - anh Huyện cho biết.

Câu lạc bộ ĐCTT thôn Phú Tiến hình thành từ tháng 8-2013, hiện có 55 thành viên, đủ mọi lứa tuổi. Tất cả đều là nông dân. Dù mới ra đời và hoạt động chưa lâu nhưng câu lạc bộ đã trở thành phong trào văn hóa - văn nghệ điển hình của xã - Phó chủ tịch UBND xã Phú Trung - ông Đỗ Phước Long cho biết.

Không thể mua được tiếng đờn

Nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT TP. Hồ Chí Minh phân tích: Đúng theo bản chất vốn có của ĐCTT, không lấy tiếng đờn để làm nghề, không lấy giọng hát để làm kế sinh nhai mà đờn để giải trí, hát để giải sầu. Đờn, hát cho người mộ điệu thưởng thức. Đờn, hát để vui với nhau, thích thì đờn, thì hát, không thích không chơi, không hát, không ai có thể mua được tiếng đờn, tiếng hát của những tài tử. Muốn trở thành ĐCTT chuyên nghiệp phải tập luyện công phu. Người đờn trong dàn nhạc không chỉ đờn cho người khác nghe mà đờn cho mình nghe; vừa đờn vừa lắng nghe người khác đờn, vừa hòa nhịp cùng mọi người trong lúc đờn. Vì thế mà trong mỗi bài bản của ĐCTT đều mang đậm chất cộng đồng.

Những năm trước, phong trào ĐCTT của Bình Phước đã có dấu hiệu lắng xuống do không có kinh phí hoạt động. Cách đây 2 năm, Bình Phước tổ chức liên hoan loại hình nghệ thuật này thì phong trào ĐCTT trên địa bàn tỉnh mới bắt đầu khởi sắc. Đặc biệt trong những ngày cuối năm 2013, ĐCTT Nam bộ được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại thì ĐCTT mới thật sự hồi sinh. Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTT huyện Chơn Thành - ông Nguyễn Văn Hương cho biết: “Cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật ĐCTT là ai cũng có thể hát, hát bất cứ lúc nào. Được tổ chức văn hóa thế giới biết đến, ghi nhận và bảo tồn là niềm tự hào, niềm vui khôn xiết của những người biết đến ĐCTT”.

Để ĐCTT vang xa

Bình Phước hiện có 14 câu lạc bộ ĐCTT với 232 hội viên, trong đó có 55 tài tử đờn. Hoạt động của các câu lạc bộ ĐCTT hiện đều sinh hoạt theo hình thức tự nguyện, tự đóng kinh phí để vui chơi ca hát. Tính phổ quát của ĐCTT đã in sâu trong tâm khảm và nếp nghĩ của mọi người. Điều đáng quan tâm hiện nay là một số ca từ trong bài bản của ĐCTT không còn phù hợp. Do vậy việc sáng tác ca từ mới phù hợp với cuộc sống hiện đại là điều rất cần thiết. Mặt khác, hoạt động của các câu lạc bộ ĐCTT hiện chỉ mang tính tự phát. Các câu lạc bộ không có kinh phí hoạt động và chưa có tính định hướng, truyền dạy cho lớp kế thừa. Cả tỉnh vẫn chưa có một tài tử đờn hay tài tử ca nào được phong danh hiệu nghệ nhân. Để xứng tầm với những giá trị văn hóa do ĐCTT mang lại, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tính đến việc đầu tư cho sáng tác và đào tạo đội ngũ kế thừa một cách bài bản.                                                                                              

Đông Kiểm

  • Từ khóa
90876

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu