Thứ 7, 20/04/2024 09:27:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:29, 08/06/2018 GMT+7

Để di tích được bảo tồn và tạo dấu ấn riêng

Thứ 6, 08/06/2018 | 08:29:00 165 lượt xem

BP - Ngày 6-6, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà quản lý, người làm công tác chuyên môn, cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh đã được ghi nhận. Đồng chí Trần Tuyết Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, chủ trì buổi tọa đàm đã tóm lược được 7 nhóm giải pháp cơ bản làm cơ sở tham mưu Tỉnh ủy, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 26-CT/TU ngày 14-8-2017 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Những ý kiến, tham luận tại tọa đàm cho thấy, để giải được bài toán bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn liền với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch về nguồn, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với nhiều tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Cần Thơ... di tích lịch sử đã và đang mang lại nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư. Nhưng với Bình Phước, thuận lợi để di tích “tỏa sáng” chưa nhiều nếu không muốn nói là còn nhiều khó khăn, bất cập. Trong giai đoạn hiện nay, Bình Phước đang phấn đấu vươn lên hòa cùng sự năng động của khu vực và đất nước trên con đường hội nhập thì bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác các lợi thế về kinh tế, rất cần đầu tư thế mạnh du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn di tích.

Thật tự hào khi Bình Phước có đủ cả 4 loại di tích: lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ và danh lam thắng cảnh; là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng quý giá với 34 di tích đã được xếp hạng và hàng trăm di tích đang được kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng. Nhưng để việc trùng tu, tôn tạo mà vẫn giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa, giá trị lịch sử của di tích; xã hội hóa mà vẫn đảm bảo nghiêm ngặt quy định về tôn tạo, bảo tồn di tích như mong muốn của đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đòi hỏi phải có giải pháp bài bản, đầu tư hiệu quả cả về nhân lực và vật lực; mỗi ban, ngành, đơn vị tùy chức năng, nhiệm vụ phải vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm cao. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin, sức mạnh của truyền thông sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn để quảng bá di tích Bình Phước rộng rãi và lâu bền nhất.

Tọa đàm là dịp để các nhà chuyên môn, quản lý, đơn vị truyền thông bày tỏ quan điểm, tham mưu lãnh đạo tỉnh đưa ra những chủ trương, chính sách phát triển tốt nhất để ngành công nghiệp không khói có cơ hội “cất cánh”. Hy vọng rằng, khi di tích được đầu tư bài bản dưới nhiều góc độ, được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh cùng nhiều cấp, ngành thì tổng thể di tích lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của vùng đất, con người Bình Phước sẽ được hình thành và “hữu xạ tự nhiên hương” thu hút du khách gần xa đến với Bình Phước.

An Nhiên

  • Từ khóa
108886

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu