Thứ 6, 29/03/2024 16:29:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:22, 15/06/2019 GMT+7

Để có nông sản sạch

Thứ 7, 15/06/2019 | 09:22:00 197 lượt xem

>> Phát động nông dân Bình Phước sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn

BP - Tại lễ phát động chương trình “Nông dân Bình Phước tích cực sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn và nói không với thực phẩm bẩn” năm 2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho rằng, việc lạm dụng hóa chất, phân bón, chất cấm trong sản xuất nông, thủy sản sẽ làm giảm khả năng tiếp cận thị trường, nhất là các loại nông sản sạch. Trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn xảy ra những vụ việc người sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, thủy sản chưa tuân thủ quy định, gây mất an toàn cho người tiêu dùng.

Trong những năm gần đây, khi vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng trở nên bức xúc, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, cụm từ “nông nghiệp sạch” và “nông sản sạch” luôn được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nông sản sạch được sản xuất theo tiêu chuẩn, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích... Nông nghiệp sạch tạo ra sản phẩm sạch cũng chính là mục đích và yêu cầu của người tiêu dùng đối với nhà nông hiện nay. Vấn đề thực phẩm sạch và an toàn luôn là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng. Khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm sạch, đồng thời cũng quan tâm hơn đến giá trị mà nó mang lại, nhất là các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Do đó, sản xuất nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị là hướng đi giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người nông dân. Việc quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông cho đến chế biến, bảo quản sẽ đảm bảo được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nông sản trên địa bàn Bình Phước hiện vẫn sản xuất quy mô nhỏ lẻ, nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch còn yếu. Số hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sạch còn ít; các nông hộ chưa liên kết thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, do đó sản phẩm cung cấp ra thị trường manh mún cả về số lượng và chất lượng. Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp, nên không thể tham gia vào hệ thống cung ứng tại một số siêu thị trong nước hoặc xuất khẩu. Bên cạnh đó, thông tin về thị trường không được cập nhật nên nông sản thường mang tính tự sản xuất, chưa đảm bảo các tiêu chuẩn sạch. Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, để có những nông sản sạch thì nông dân phải được tổ chức thành những hợp tác xã kiểu mới, tạo liên kết với nhau, cũng như liên kết giữa nông dân với các nhà doanh nghiệp xuất khẩu. Đây là những hợp tác xã có nội quy và giá trị đạo đức về sản xuất không gian dối, không sử dụng chất cấm, không đầu độc người tiêu dùng. Để không bị lối làm ăn gian dối cạnh tranh, những hợp tác xã này phải được sự hỗ trợ, giúp đỡ tối đa của chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội, trong đó hội nông dân là nòng cốt.

Cùng với quyết tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất nông sản thực phẩm sạch thì chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, để thực phẩm sạch có chỗ đứng rõ ràng, vững chắc trên thị trường. Làm được như vậy, chính quyền có môi trường, địa chỉ sản xuất thực phẩm an toàn trong tầm kiểm soát cụ thể, cổ vũ cho phát triển sản xuất kinh tế tập thể, chung tay giải quyết triệt để vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay.

Thanh Hà

  • Từ khóa
109125

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu