Thứ 6, 29/03/2024 06:13:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:52, 24/02/2016 GMT+7

Để cây tiêu phát triển bền vững ở vương quốc hồ tiêu Bình Phước

Thứ 4, 24/02/2016 | 13:52:00 545 lượt xem

BP - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phan Văn Đon khẳng định: Nếu so sánh với những tỉnh trồng tiêu trọng điểm của cả nước là các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thì người trồng tiêu ở Bình Phước có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh chăm sóc loại cây công nghiệp khó tính và giá trị kinh tế cao nhất hiện nay là hồ tiêu. Phát triển hồ tiêu bền vững là trọng tâm định hướng của ngành nông nghiệp Bình Phước trong tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.

TRỒNG TIÊU BỀN VỮNG VÀ AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, các giống tiêu được trồng trên địa bàn tỉnh rất đa dạng và phong phú, nhiều giống phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tiêu Vĩnh Linh có diện tích nhiều nhất với 5.868,3 ha, chiếm 47,5% tổng diện tích, năng suất 30,4 tạ/ha, sản lượng năm 2015 là  17,58 tấn. Tiêu Vĩnh Linh năng suất cao nhưng không ổn định, năm được năm mất. Tiêu Trung (tiêu Lộc Ninh) là 2.458,6 ha (19,9%), năng suất 2,53 tấn/ha. Hiện giống tiêu Lộc Ninh chủ yếu là tiêu già, tập trung nhiều nhất ở các xã Lộc Hòa, Lộc An. Người trồng tiêu ở Bình Phước chuộng giống tiêu Lộc Ninh nhờ năng suất ổn định. Tiêu Ấn Độ diện tích khoảng 1.397,2 ha (11,3%), năng suất 2,53 tấn/ha. Tiêu sẻ 1.087,4 ha (8,9%), năng suất hơn 3 tấn/ha. Giống tiêu khác khoảng 1.543 ha, năng suất 2,2 tấn/ha.

Nông dân Bình Phước chú trọng khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch để phát triển hồ tiêu bền vữngNông dân Bình Phước chú trọng khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch để phát triển hồ tiêu bền vững

Thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng nọc sống để trồng là chủ yếu như: Gòn, trôm, cóc rừng, lồng mức, tam thất, keo... Do các loại cây này dễ nhân giống, dễ trồng, ít cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu, đồng thời che bóng một phần cho cây tiêu và làm thức ăn chăn nuôi gia súc.

Hiện nay, ở Lộc Ninh đã xây dựng thương hiệu tập thể hồ tiêu. Bên cạnh đó, Dự án Liên kết sản xuất chuỗi giá trị tiêu bền vững giữa Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam và người trồng tiêu ở 3 huyện trọng điểm Lộc Ninh, Bù Đốp và Hớn Quản nâng cao nhận thức người trồng sản xuất tiêu sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và kéo dài tuổi thọ vườn tiêu nhờ hữu cơ hóa chăm sóc. Nhờ đó, bệnh chết nhanh, chết chậm giảm. Cụ thể, trong năm 2015, diện tích bệnh chết chậm còn 515 ha, giảm 31%, bệnh chết nhanh còn 127 ha, giảm 62% so với năm 2014.

ỔN ĐỊNH 14.500 HA HỒ TIÊU

Những năm gần đây, giá hạt tiêu tăng cao và tương đối ổn định đã kích thích người trồng nên diện tích tiêu tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu của Sở NN&PTNT năm 2013, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 10.753 ha, trong đó, diện tích kiến thiết cơ bản 1.901 ha, diện tích cho sản phẩm 8.852 ha; năng suất đạt 27,73 tạ/ha, sản lượng 24.554 tấn, chiếm 2,69% tổng diện tích cây lâu năm. Tính đến tháng 10-2015, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh là 12.353 ha, tăng 1.600 ha (1,49%) so với năm 2013. Trong đó, diện tích cho sản phẩm trên 9.000 ha, năng suất 28 tạ/ha, sản lượng 24.822 tấn. Diện tích tiêu tập trung chủ yếu ở các huyện, thị như: Lộc Ninh 4.501 ha, chiếm 37%; Bù Đốp 3.353 ha, chiếm 27%; Hớn Quản 1.761,7 ha, chiếm 14%; Bình Long 1.359,8 ha, chiếm 11% diện tích cả tỉnh. Hồ tiêu của Bình Phước phần lớn được trồng thuần, ngoài ra có một số diện tích nông dân trồng xen nhằm tăng thu nhập. Một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chặt bỏ để thay thế cây tiêu khoảng 1.278 ha, chiếm 10,9% tổng diện tích.

Mục tiêu phát triển hồ tiêu đến năm 2020 là ổn định diện tích 14.500 ha, năng suất 3,2 tấn/ha, bố trí hợp lý ở những vùng có điều kiện thuận lợi, áp dụng biện pháp canh tác theo hướng GAP (Thực hành tốt nông nghiệp), tập trung phòng trừ sâu bệnh hại. Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt duy trì phát triển thương hiệu hồ tiêu. Bảo đảm thông tin thị trường cho người sản xuất và doanh nghiệp. Tạo môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững từ liên kết doanh nghiệp và nông dân.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phan Văn Đon

Ông Đon cho biết: Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng vùng chuyên canh tập trung với quy mô phù hợp; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng trọt tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; tăng cường phòng chống dịch bệnh; phát triển hồ tiêu gắn với công nghiệp chế biến. Xây dựng hồ tiêu thành ngành sản xuất lớn trên địa bàn và phát triển bền vững. Hoàn thiện cơ chế tổ chức, quản lý việc phát triển hồ tiêu, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tiêu an toàn.

Theo đó, ngành nông nghiệp đã tăng cường việc tổ chức thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật cho từng vùng sản xuất. Hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh hồ tiêu với tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện, thực hành trên các mô hình trình diễn kỹ thuật đối với hồ tiêu ở ngay vùng trồng tiêu tập trung. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư sẽ chọn một phần diện tích của hộ đang trồng tiêu để trình diễn, nhân rộng mô hình, so sánh vườn tiêu được áp dụng khoa học - kỹ thuật với vườn không áp dụng, từ đó tăng khả năng thuyết phục đối với người trồng tiêu.

 Phát triển giống hồ tiêu có năng suất và phù hợp địa phương cần phải xây dựng tiêu chuẩn và quản lý giống hồ tiêu. Phối hợp với các viện nghiên cứu,  hiệp  hội  hồ  tiêu  và  hộ  sản  xuất  giỏi  để  nghiên  cứu  tiêu chuẩn  giống  trên  cơ  sở  giống  tiêu  đã  được  cải thiện và phát triển mới. Cải thiện chất lượng giống thông qua việc tuyển chọn các giống hồ tiêu hiện có trong nước là một giải pháp thực hiện ít tốn kém nhất nhưng lại khắc phục được ngay thực trạng chất lượng chọn giống kém.

Phương Hà

  • Từ khóa
40108

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu