Thứ 7, 20/04/2024 18:36:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:44, 22/08/2014 GMT+7

Để cây tiêu mãi ở thời “hoàng kim”

Thứ 6, 22/08/2014 | 09:44:00 192 lượt xem

Giá hồ tiêu tăng cao ngoạn mục

Từ năm 2001 đến 2006, giá hồ tiêu trên thị trường luôn dao động ở mức 22 đến 25 ngàn đồng/kg. Đến năm 2007, giá tiêu trên thị trường có dấu hiệu đáng mừng - tăng lên khoảng 30 ngàn đồng/kg và có lúc lên 35 ngàn đồng/kg. Năm 2008, giá tiêu tiếp tục tăng lên 50 ngàn đồng/kg, năm 2010 là 80 ngàn đồng/kg và 3 năm qua, giá hồ tiêu trên thị trường trong nước luôn dao động mức cao, từ 110 đến 120 ngàn đồng/kg.

Chăm sóc vườn tiêu cho năng suất cao - Ảnh tư liệu

 
Những tháng đầu năm 2014, tại các vùng trồng tiêu trọng điểm của Bình Phước là Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập và Bù Đăng, có lúc thương lái mua tại vườn với giá 145 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá nằm ngoài sự kỳ vọng của nông dân. Và bất ngờ giá tiêu tăng chóng mặt, đạt ngưỡng 190 ngàn đồng/kg vào giữa tháng 7 vừa qua, đến nay đang dao động ở mức 180-185 ngàn đồng/kg. Mức giá này đang thực sự gây “choáng” trên thị trường tiêu nội địa, bởi từ trước tới nay chưa có bất kỳ loại nông sản nào đạt sự tăng giá ngoạn mục này.

Theo nhận định của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), quy luật giá cả lên xuống theo chu kỳ vài năm của hồ tiêu gần như đã bị phá vỡ khi chính nông dân là người tạm trữ và điều tiết bán ra. Khoảng 6 năm trở lại đây, hồ tiêu Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường thế giới nên giá hầu như chỉ đi lên. Và nếu năng suất thu hoạch tiêu bình quân đạt 4 tấn/ha (có nhiều hộ ở Lộc Ninh trồng giống tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật nên đạt từ 7 đến 8 tấn/ha), với giá bán tại thời điểm này, người trồng tiêu sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng/ha, vẫn lãi ròng khoảng 550 triệu đồng/ha mỗi năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết, năm 2014, sản lượng hồ tiêu của cả nước ước đạt khoảng 130 ngàn tấn. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 111 ngàn tấn tiêu, thu về 790 triệu USD, tăng 36,2% về khối lượng và 47,8% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước trong năm 2014 sẽ đạt khoảng 150 ngàn tấn, trong đó có cả tiêu dự trữ từ năm 2013 và tạm nhập tái xuất. Như vậy, năm 2014 này, mặt hàng hồ tiêu sẽ lần đầu tiên tham gia vào câu lạc bộ nhóm hàng nông sản xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Mừng nhiều nhưng cũng không ít lo

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Từ việc chưa có chỗ đứng trên thị trường nên bị các nhà đầu cơ quốc tế chi phối giá cả, đến nay vị thế hồ tiêu Việt Nam ngày càng vững vàng trên thương trường quốc tế. Và với vị trí đứng đầu, mặt hàng hồ tiêu của nước ta đã có được vị thế dẫn dắt thị trường thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta không khỏi băn khoăn là giá hồ tiêu Việt Nam vẫn luôn thấp hơn các nước Ấn Độ, Brazil, Malaysia,...

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA đã có lần lý giải rằng: Hồ tiêu xuất khẩu của các nước Ấn Độ, Brazil được sản xuất đạt tiêu chuẩn ASTA, tức là qua khâu khử trùng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn của Mỹ nên giá bán cao hơn. Còn ở Việt Nam, mặt hàng này vẫn còn đang xử lý bằng hơi nước. Trong khi thị trường xuất khẩu yêu cầu ngày càng cao về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Sản phẩm sạch, canh tác hữu cơ, có chứng chỉ chất lượng. Vì vậy, ngay từ bây giờ người trồng và chế biến hồ tiêu trong nước cần triển khai các giải pháp phù hợp, sản xuất theo quy trình GAP, nông dân nên chuyển sang hướng trồng tiêu sử dụng phân bón hữu cơ, hạn chế dùng phân và thuốc hóa học.

Bên cạnh đó là nỗi lo về tình trạng tăng diện tích trồng tiêu ồ ạt hiện nay ở nhiều địa phương trong cả nước. Vì diện tích lớn, sản lượng sẽ tăng, nhưng chất lượng kém không ai khác người trồng tiêu đã tự hại mình. Đó là bài học thực tế rút ra từ những năm gần đây. Những năm 2000 đến 2003, giá tiêu trên thị trường trong nước và thế giới rớt thê thảm. Bên cạnh đó là tình trạng hạn hán xảy ra ở nhiều quốc gia dẫn đến cây tiêu bị chết hàng loạt. Thêm vào đó là tình trạng cây tiêu bị nhiễm nhiều loại bệnh như: vàng lá, thối rễ, nấm hồng, chết chậm, chết nhanh, thán thư,... Ở Bình Phước, năm 2003, tại xã Thanh Phú, huyện Bình Long cũ có tới 90% vườn tiêu bị chết khô do thiếu nước tưới và bệnh thối rễ.

Trước tình trạng giá tiêu tụt dốc không phanh vào những năm đầu của thế kỷ XXI, rồi diện tích tiêu chết nhiều do nhiễm bệnh và hạn hán... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích trồng tiêu, mà tập trung đầu tư chăm bón, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật vào diện tích đã trồng. Nhờ đó mà sản lượng tiêu trên thị trường không bị dư thừa. Đây là một trong những nguyên nhân tác động đẩy giá tiêu lên cao. Từ bài học trên, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần khuyến cáo nông dân trong tỉnh không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu, đồng thời mạnh dạn loại bỏ những giống tiêu có năng suất thấp, sức đề kháng kém. Vì hiện nay, ở các huyện, thị xã trong tỉnh, có nhiều hộ đang chặt bỏ những loại cây trồng có giá trị thấp, thậm chí chặt bỏ cao su, điều và các loại cây ăn trái khác... để lấy đất trồng tiêu.

Và nếu tình trạng phát triển diện tích tiêu tự phát ồ ạt như hiện nay, chắc chắn cây tiêu cũng lại rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn là trồng rồi lại chặt...

Nhật Minh

  • Từ khóa
37676

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu