Thứ 6, 19/04/2024 11:11:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 08:35, 02/05/2017 GMT+7

Mỹ vẫn cần Nga

Nguồn SGGP
Thứ 3, 02/05/2017 | 08:35:00 182 lượt xem
BPO - Gần một tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không kích căn cứ không quân của Chính phủ Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk, tình hình Syria hầu như không khả quan hơn.

Tàu khu trục USS Porter (DDG 78) của Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tấn công tại biển Địa Trung Hải, vào ngày 7-4-2017. Ảnh: Hải quân Mỹ/ REUTERSTàu khu trục USS Porter (DDG 78) của Hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tấn công tại biển Địa Trung Hải, vào ngày 7-4-2017. Ảnh: Hải quân Mỹ/ REUTERS

Theo Washington Post, từ đó đến nay, Nhà Trắng hầu như bỏ quên Syria khi họ chuyển trọng tâm  sang các vấn đề khác như đối nội và Triều Tiên. Vì vậy, lúc này, công việc chống khủng bố ở Syria xem như do Nga và Chính phủ Syria làm chủ. 

Nói cách khác, một cuộc không kích của Mỹ cũng không giải quyết được vấn đề gì. Trong bài trả lời tạp chí Le Parisien của Pháp, 2 chuyên gia về cuộc xung đột ở Syria và về Trung Đông - ông Karim Pakzad (nhà nghiên cứu thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp) và ông Cédric Mas (nhà lịch sử quân sự Pháp) tỏ ra hoài nghi về chính sách của Mỹ với Syria.

Ông Karim Pakzad cho rằng những tuyên bố của ông Trump, không chỉ riêng về vấn đề Syria, hết sức huyễn hoặc, thậm chí trái ngược nhau, nên không thể coi là nghiêm túc và rất khó giải thích. Còn theo ông Cédric Mas, cần nhớ rằng ông Donald Trump bị cáo buộc là thân Nga. Bằng việc bác bỏ cáo buộc này và trực tiếp đối đầu với Nga tại Liên hiệp quốc (LHQ) trong vấn đề Syria, ông Trump đã chuyển hướng sự chú ý và chứng minh rằng ông trước hết là một tổng thống Mỹ, và chắc chắn không phục vụ cho các lợi ích của Nga. 

Xem ra, khi chính sách đối nội đã tạm ổn sau nhiều nhượng bộ của Nhà Trắng trước Quốc hội, ông Trump bắt đầu quên Syria. Cũng theo ông Karim Pakzad, nước Nga từng gây sức ép với Tổng thống Bashar Al-Assad, buộc ông phải hủy bỏ kho vũ khí hóa học của mình. Và ông Assad đã làm theo yêu cầu của Nga, điều này đã được LHQ và Mỹ xác nhận. Tuy nhiên, vấn đề này ít được đề cập ở các nước phương Tây, các tài liệu và các bức ảnh đã chỉ ra rằng lực lượng nổi dậy ở Syria cũng đã sở hữu và sử dụng các vũ khí hóa học. Do vậy, những bằng chứng của một ủy ban điều tra thuộc LHQ sẽ rất cần thiết.

Cả hai nhà phân tích đều cho rằng so với Mỹ, Nga đang có bước đi phù hợp hơn ở Syria, cho phép họ bảo toàn những lợi thế địa chính trị và chiến lược của họ ở Syria dù ông Assad ở lại hay không. Cũng theo ông Karim Pakzad và ông Cédric Mas, Tổng thống Donald Trump sẽ không có lý do gì để thực hiện một cuộc chiến tranh mới tại Syria. Vả lại, cơ sở hậu cần của Nga nằm rải rác trên khắp lãnh thổ Syria, trong trường hợp Mỹ tiến hành các cuộc không kích sẽ rất khó tránh khỏi gây những thiệt hại cho Nga và làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.

Theo các nhà phân tích, nếu ông Trump thực sự tin vào chính sách đối ngoại “Mỹ trước tiên” của mình, ông ta nên tập trung vào việc giảm nguy cơ cuộc chiến tranh hạt nhân Mỹ - Nga.

Cả Mỹ và Nga đều muốn chống khủng bố toàn cầu. Mỹ cũng cần Nga giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng khác nhau trong các điểm nóng khu vực. Ngoài Syria, mối quan hệ kinh tế của Nga với Triều Tiên và vai trò của Nga là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ có thể giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên. Washington và Mátxcơva cũng chia sẻ lợi ích chung trong việc giảm nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO ở châu Âu. Quan trọng không kém là Mỹ không muốn rơi vào tình thế đối đầu đồng thời với Nga và Trung Quốc.

  • Từ khóa
76345

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu