Thứ 6, 29/03/2024 00:14:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:21, 02/09/2014 GMT+7

Dây neo hôn nhân

Thứ 3, 02/09/2014 | 15:21:00 195 lượt xem
BPO - Con cái rồi cũng sẽ lớn, tiền bạc tiêu sẽ hết, tình yêu sẽ nhạt phai theo thời gian, nhưng tình nghĩa lại dày thêm. Hôn nhân cần được xây dựng bởi tình bạn, sự tôn trọng, thân thiết, cởi mở, tin tưởng lẫn nhau giữa hai vợ chồng. Đó là những tình cảm khó có thể tìm thấy bên ngoài gia đình - sợi dây neo bền chặt của hôn nhân.

Xôi hỏng bỏng không

Xôi hỏng bỏng không

Đinh Hồng Hoa (22 tuổi, Ba Đình) nằm ôm đứa con đỏ hỏn trong tay tỉ tê khóc. Mẹ chồng ra vào không một lời an ủi còn ngấm nguýt lườm. 4 năm trước, khi vào trường đại học, cô bén duyên luôn với anh chàng phố cổ tên Thắng. Tình yêu đầu say mê, lại tin vào lời đường mật nên Hoa đã nhanh chóng dâng hiến “cái ngàn vàng” cho người yêu. Chàng trai đến phòng trọ của cô sinh hoạt như hai vợ chồng. Tuy nhiên, yêu nhau đến năm thứ 3 thì Hoa thấy Thắng có phần nhạt nhẽo. Với mong muốn giữ người yêu, Hoa đã không dùng thuốc tránh thai. Đến khi có thai, Hoa kiên quyết đòi Thắng phải cưới, nếu không, cô và con sẽ chết ngay trước mặt Thắng. Cực chẳng đã, Thắng đành cưới Hoa trong gượng gạo. Mỗi lần Hoa trách móc, Thắng đều lạnh lùng: “Cô muốn kết hôn, tự ý sinh con thì tự đi mà nuôi. Đây đều là những thứ tôi không muốn”. Ôm đứa con khóc ngằn ngặt trên tay, không bằng cấp, không nghề nghiệp, không chồng, Hoa thấy tương lai mù mịt.

Còn chị Huỳnh Ngọc Ánh và anh Đông (Phương Mai, Đống Đa) kết hôn đã được 17 năm. Anh chị lấy nhau từ thuở tay trắng, hai vợ chồng thuê được căn phòng 14m2 để sinh sống. Nhưng nhờ buôn bán mát tay, anh chị chẳng mấy chốc đã khấm khá, mua được nhà, lập công ty riêng, mua ô tô. Giờ anh Đông là Giám đốc Công ty, thường xuyên ăn trắng mặc trơn, cắp ca táp, đi ô tô xịn đi giao dịch. Chị Ánh nhìn chồng phong độ bóng bảy nên thường xuyên kiểm tra điện thoại, quần áo chồng để tìm dấu hiệu lạ. Sợ anh quên về quá khứ bần hàn, chị thường xuyên nhắc nhở về việc ngày xưa anh nghèo khổ, nhờ chị đảm đang, hy sinh vì chồng con, mà anh được “trơn lông, đỏ da” như ngày hôm nay. Không chỉ “tua băng” với các con mà mỗi lần có khách đến, chị Ánh đều bắt đầu bằng chuyện “ngày xưa”, “nếu không có vợ thì giờ này đã vác bị đi ăn xin rồi”. Lúc đầu, anh Đông chỉ cười cười, cho qua, nhưng rồi nhịn không thấu, anh Đông gầm lên: “Nếu tôi vô dụng, kém cỏi, không xứng với cô thì chúng ta nên chia tay, cô ôm cả lấy của cải mà sống. Tâm sự với bạn, anh Đông rầu rĩ: Tôi chẳng quên công sức cô ấy đã bỏ ra cho tôi, nhưng khoảng cách giữa tôi và cô ấy ngày càng xa…”.

Sợi dây tình nghĩa

Anh Trần Duy Lãm (Hoàn Kiếm) cũng là người làm ra tiền. Nhưng anh có tật nhậu nhẹt, thường xuyên đi đến 9-10h đêm mới về, lúc nào cũng say khướt. Chị Nga – vợ anh thường xuyên nhắc nhở nhưng anh chẳng nghe. Anh còn cười nhạo: “Chả phải các bà vợ thích nhất là tiền sao. Mỗi tháng nhờ nhậu mà tôi làm ăn tốt, đưa về cho cô mấy chục triệu, tiêu xài thoải mái. Cô ăn sung mặc sướng mà còn không biết điều, đừng có được voi đòi tiên”. Chị Nga chỉ lặng lẽ khóc. Thấy vợ bỏ đi, anh Lãm cũng chả ý kiến gì, chỉ nghĩ chị vẽ vời, dọa nạt kiểu đàn bà. Mấy ngày không có tiền tiêu chắc lại quay về. Đến khi mở két lấy ít giấy tờ, anh Lãm mới giật mình trước những cọc tiền mà vợ bó lại cẩn thận, trên đó có gài giấy ghi rõ số tiền và ngày giờ anh đưa. Hóa ra từ trước đến nay, hai mẹ con chị chỉ chi tiêu tùng tiệm trong số tiền lương giáo viên mẫu giáo ít ỏi của chị. “Nếu con nghĩ tiền là tất cả thì con cứ sống một mình. Bố mẹ và vợ con con đều có thể tự nuôi bản thân”, mẹ anh phân tích. Bây giờ, bỏ bớt các cuộc nhậu, về sớm chơi cùng con trai, ăn bữa cơm nóng sốt do vợ nấu, anh Lãm cảm nhận được hạnh phúc thực sự.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, mô hình gia đình trước đây, người vợ ở nhà sinh con, chăm sóc gia đình còn người chồng ra ngoài kiếm tiền. Tuy nhiên, hiện nay, người vợ và người chồng đều giữ vai trò kinh tế, cũng có hiểu biết xã hội tương đối ngang bằng nhau. Người vợ không coi chồng là đại diện duy nhất của quyền lực trong gia đình. Do đó, mong muốn về vai trò của người chồng cũng không chỉ đơn thuần là “cái máy” kiếm tiền mà còn yêu cầu người chồng phải cùng vợ chia sẻ nhiều việc khác trong cuộc sống, như dạy dỗ con cái, làm việc nhà, tâm tình, nâng đỡ tinh thần lẫn nhau. Còn người vợ không chỉ cần là người nội trợ, biết “cơm dẻo, canh ngọt” mà còn được người chồng kỳ vọng vào một người bạn biết chia sẻ vui buồn, gánh đỡ khó khăn. Vì thế, nếu người vợ cho rằng mình đã sinh được con, đã cầm bằng kết hôn trong tay là “trói” được chồng thì thực sự sai lầm, bởi họ khó có một người chồng vui vẻ cùng yêu thương, chia sẻ cuộc sống với mình. Còn người chồng nếu chỉ đưa tiền về cho vợ thì cũng sẽ để lại những khoảng trống lớn trong tâm hồn vợ, không sớm thì muộn cũng sẽ mất vợ.

Nguồn An ninh Thủ đô

 

  • Từ khóa
107521

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu