Thứ 6, 19/04/2024 22:36:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 09:35, 30/03/2016 GMT+7

Đẩy mạnh phát triển kinh tế các xã đảo

Thứ 4, 30/03/2016 | 09:35:00 181 lượt xem

BP - Nước ta có hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, phân bố ở vùng ven bờ và các quần đảo ngoài khơi, là tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế hải đảo. Diện tích phần đất nổi của các đảo khoảng gần 1.700km2, được phân bố chủ yếu ở vùng biển đông bắc và tây nam với những đảo, quần đảo nổi tiếng và có vị trí chiến lược quan trọng.

Cả nước hiện có 12 huyện đảo, với gần 100 xã đảo, trong đó 66 đảo có dân sinh sống với tổng gần 300 ngàn người. Các huyện đảo, xã đảo có vai trò, vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng biển của đất nước. Theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 22-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ, để được công nhận xã đảo phải đáp ứng đủ 2 tiêu chí. Một là, có diện tích tự nhiên là đảo theo quy định tại Điều 19, Luật Biển Việt Nam năm 2012. Hai là, có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân trên đảo. Đơn vị hành chính được công nhận là xã đảo phải có 1 trong 3 điều kiện sau: Là đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện đã được công nhận là huyện đảo; có toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã ở trên đảo; có một phần diện tích tự nhiên là đảo ở trên biển (xã có đảo ở trên biển) và trên đảo có người dân định cư hoặc lực lượng vũ trang đóng quân.

Phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển đảo nói chung, các huyện và xã đảo nói riêng đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Ngày 28-4-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu chính là tập trung xây dựng một số đảo có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi và nhiều tiềm năng, tạo sự bứt phá cho kinh tế biển đảo, góp phần phát triển kinh tế cả nước. Phát triển kinh tế xã đảo làm đầu mối quan trọng để gắn kinh tế đảo với kinh tế biển, ven biển và vùng nội địa; đồng thời tạo sự chuyển biến căn bản và vững chắc trong cơ cấu kinh tế đảo. Hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của từng đảo như: dịch vụ biển đảo, khai thác và nuôi trồng hải sản... Phấn đấu giai đoạn 2010-2020, kinh tế đảo đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-15%/năm, trong đó du lịch, dịch vụ tăng trên 20%/năm; nâng mức đóng góp của kinh tế đảo trong kinh tế cả nước lên khoảng 0,5% vào năm 2020.

Cũng theo quyết định của Chính phủ, định hướng phát triển kinh tế đảo đến năm 2020 là xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư và khuyến khích người dân ra định cư lâu dài trên các đảo. Ưu tiên phát triển một số ngành chủ lực, có lợi thế như hải sản, du lịch, dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các thành phần kinh tế, các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống. Tập trung xây dựng một số đảo trọng điểm về kinh tế như đảo Phú Quốc (Kiên Giang), cụm đảo Vân Đồn (Quảng Ninh). Các đảo phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh là cụm đảo Cô Tô - Thanh Lân (Quảng Ninh), cụm đảo Cát Bà - Cát Hải (Hải Phòng), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Phú Quý (Bình Thuận). Nâng cấp và xây dựng mới các khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền tại một số đảo gần các ngư trường lớn như Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Thổ Chu, Trường Sa...

Khó khăn lớn nhất cản trở phát triển kinh tế đảo là thiếu nguồn cung cấp điện năng ổn định. Không có điện lưới quốc gia nên các nguồn cung cấp điện tại chỗ không ổn định và giá thành cao. Đưa điện về các xã đảo không chỉ đáp ứng sự mong đợi của người dân mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia. Vì vậy, Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện.

Thực hiện mục tiêu này, những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng hệ thống lưới điện bằng cáp ngầm xuyên biển và đường dây trên không để cấp điện từ hệ thống điện quốc gia ra đảo. Tính đến cuối năm 2015, vượt qua bao khó khăn, trở ngại EVN đã đầu tư cấp điện cho 8/12 huyện đảo. Hiện EVN đã hoàn thành cấp điện cho đảo Bé (Lý Sơn - Quảng Ngãi) và đang tiếp tục triển khai cấp điện cho các xã đảo của tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam); nhận bàn giao lưới điện và xây dựng phương án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)... Đưa điện về các xã đảo, huyện đảo thực sự đã khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế biển, đồng thời góp phần tích cực trong việc giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Đức Hồng

  • Từ khóa
111242

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu