Thứ 5, 28/03/2024 17:22:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:01, 30/11/2014 GMT+7

Dâu, rể có phải là con?

Chủ nhật, 30/11/2014 | 10:01:00 1,607 lượt xem
BP - Bộ Tư pháp đã công bố Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và nhân dân trong cả nước. Một trong những nội dung của dự thảo đã được sự quan tâm của dư luận là: Con dâu, con rể là những người hiếu thảo nên đưa vào diện được thừa kế theo pháp luật.

Điều 642 về người thừa kế theo pháp luật trong Bộ luật Dân sự hiện hành có quy định như sau:

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Như vậy, theo pháp luật thì những người là con dâu, con rể không thuộc bất cứ hàng thừa kế nào. Vì vậy, có ý kiến cho rằng trong lần sửa đổi Bộ luật Dân sự sắp tới cần bổ sung đối tượng là con dâu, con rể vào hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật. Và trong thực tế cuộc sống đã có không ít người con dâu, con rể nuôi dưỡng cha mẹ chồng, cha mẹ vợ nhiều năm, nhưng đến khi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ chết thì họ lại không thuộc hàng thừa kế. Chính quyền địa phương dù biết họ là những người đã hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng, cha mẹ vợ nhưng cũng không thể làm gì được bởi luật không quy định quyền thừa kế của con dâu, con rể.

Đây là một đề xuất một ý kiến mang đậm tính nhân văn, nhân đạo nhưng nếu đưa con dâu, con rể vào hàng thừa kế theo pháp luật thì hệ lụy sẽ vô cùng phức tạp. Thứ nhất, hiện nay tình trạng tranh chấp thừa kế giữa những người cùng hàng thừa kế với nhau đã vô cùng phức tạp. Thậm chí ngay cả anh chị em ruột mà còn từ mặt nhau, đánh nhau gây thương tích và thậm chí còn gây ra án mạng chỉ vì di sản. Nếu đưa thêm đối tượng là con dâu, con rể vào thì chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn nhiều. Thứ hai, không có căn cứ nào nào để chứng minh những người con dâu, con rể đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của con cái với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ như cha mẹ ruột. Có thể với người này việc thăm hỏi, chu cấp chi phí được xem là yêu thương, quý trọng cha mẹ chồng, cha mẹ vợ nhưng với người khác thì phải trực tiếp chăm sóc, lo cơm nước, thuốc men khi ốm đau... Do đó, để chứng minh con dâu, con rể đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một người con với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ là rất khó. Thứ ba, con trong gia đình thì chồng hoặc vợ đã được hưởng một phần di sản cha mẹ để lại, nếu cho vợ, chồng họ được hưởng tiếp một phần nữa sẽ không công bằng cho những người chưa có vợ, chồng.

Và vấn đề ở đây là làm thế nào để những người dâu hiền, rể thảo đỡ thiệt thòi? Vậy cách hợp lý nhất vẫn là nếu xét thấy con dâu, con rể có hiếu thì cha mẹ vợ, cha mẹ chồng nên làm di chúc cho họ hưởng tài sản nếu mình muốn. Có như vậy thì những người con dâu, con rể thảo hiền sẽ được an ủi vì người quá cố có tình cảm với mình, đồng thời việc thực thi pháp luật của cơ quan chức năng cũng đơn giản hơn.

N.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu