Thứ 5, 28/03/2024 17:54:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:01, 25/05/2016 GMT+7

Dấu hiệu tích cực từ mô hình VNEN

Thứ 4, 25/05/2016 | 09:01:00 2,143 lượt xem
BP - Mô hình “Trường học mới Việt Nam” (VNEN) đang được triển khai và nhân rộng ở nhiều trường tiểu học trong toàn tỉnh. Đây là mô hình trường học dựa trên nguyên tắc đổi mới phương pháp dạy và học, lấy hoạt động học tập của học sinh làm trung tâm. Theo đánh giá của nhiều cán bộ, giáo viên, qua 4 năm triển khai thực hiện, mô hình VNEN đã có hiệu ứng tích cực. Học sinh mạnh dạn, tự tin, tích cực và chủ động tham gia sôi nổi các tiết học, theo đó chất lượng dạy học được nâng cao hơn hẳn so với cách học truyền thống.

Học sinh tích cực, chủ động hơn thông qua hoạt động nhóm. - Ảnh: Các nhóm lớp 42, Trường tiểu học Tân Xuân B trong giờ học                                       Học sinh tích cực, chủ động hơn thông qua hoạt động nhóm. - Ảnh: Các nhóm lớp 42, Trường tiểu học Tân Xuân B trong giờ học 

Học sinh tích cực, chủ động

Không cần đến sự nhắc nhở của giáo viên chủ nhiệm nhưng khi thấy có khách đến lớp, chủ tịch hội đồng tự quản hô cả lớp đứng dậy chào, đồng thời mời ban văn nghệ lên khởi động lớp, ban đối ngoại giới thiệu với khách về giáo viên chủ nhiệm và các thành viên trong ban tự quản. Tiếp đến, ban học tập lên điều hành kiểm tra bài cũ, trước khi giáo viên triển khai bài mới... Mọi hoạt động chỉ diễn ra trong khoảng 3-5 phút nhưng đầy đủ, bài bản và sôi động. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến lớp 42, Trường tiểu học Tân Xuân B (Đồng Xoài) - lớp học theo mô hình VNEN.

Lớp học theo mô hình VNEN có hội đồng tự quản gồm 7 thành viên do lớp bầu ra, thay giáo viên điều hành các hoạt động của lớp. Lớp được chia thành nhiều nhóm với tên gọi khác nhau, mỗi nhóm 4-6 học sinh, gồm nhóm trưởng, nhóm phó và các thành viên. Không gian lớp học được bài trí sinh động, gần gũi với “10 bước học tập”, “Nội quy lớp học”, “Góc cộng đồng”, “Sơ đồ cộng đồng”, “Hộp thư em muốn nói”, “Hộp thư bạn bè”, “Hộp thư cam kết”... do học sinh, giáo viên, phụ huynh cùng tham gia trang trí để hỗ trợ trong quá trình học tập. Cô Đỗ Thị Như, giáo viên chủ nhiệm lớp 42 cho biết: Học theo mô hình VNEN buộc các em phải làm việc theo nhóm, tập trung vào tính tự học, tự lĩnh hội kiến thức, tự đánh giá, nhận xét dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên. Học theo nhóm đã rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, hợp tác của các em. Tính tự học, tự giác tham gia các phong trào, hoạt động nhóm, lớp được nâng lên và chất lượng từ đó cũng thực chất hơn.

Cô Bùi Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường tiểu học Tân Bình B (Đồng Xoài) cho rằng: Mô hình VNEN có nhiều ưu điểm vượt trội so với dạy học truyền thống. Dù dạy học theo mô hình VNEN phát huy tính chủ động, tự làm việc của học sinh nhưng cũng đòi hỏi giáo viên phải năng động, linh hoạt, nhất là trong cách tổ chức, vị trí quan sát và lời lẽ nhận xét, đánh giá.

Tiếp tục duy trì và nhân rộng

Cô Đinh Thị Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Xuân B cho biết: Năm học 2012-2013, khi thực hiện mô hình VNEN, 100% bàn ghế của các lớp chưa đúng quy cách, phụ huynh chưa tin tưởng, giáo viên còn lúng túng, bỡ ngỡ. Được sự quan tâm đầu tư trang thiết bị của chính quyền cơ sở và sự nỗ lực của các cán bộ, giáo viên nên mô hình sớm đi vào nền nếp, hiệu ứng tích cực ngay từ những ngày đầu. Tham gia mô hình VNEN, học sinh được cấp sách miễn phí, hỗ trợ 1 lần kinh phí trang trí lớp học (2,5 triệu đồng/lớp) và hằng năm có bổ sung thêm. Từ 6 lớp khối 2 và 3 ban đầu, đến nay trường nhân rộng lên 12 lớp học mô hình VNEN, thuộc các khối 2, 3, 4, 5 và sẽ tiếp tục duy trì ở các năm học tiếp theo. Nếu đi dự giờ ở một lớp học truyền thống và một lớp học VNEN sẽ thấy có sự khác biệt hẳn. Từ thụ động một chiều, đọc - chép thì học sinh lớp VNEN chủ động lĩnh hội kiến thức, tự giác tham gia hoạt động nhóm. Tiết học cũng sôi nổi hơn, tinh thần của các em vui vẻ, nhất là chất lượng dạy học được nâng cao.

Trường tiểu Tân Bình B mới được thành lập 5 năm nhưng 4 năm qua trường đã đưa mô hình VNEN vào giảng dạy và đạt hiệu quả tích cực. Chất lượng dạy - học và các phong trào thi đua của trường luôn dẫn đầu thị xã. Hiện trường có 10/10 lớp thuộc các khối 2, 3, 4, 5 học theo mô hình VNEN. Ngoài ra, trường còn cho học sinh lớp 1 tập làm quen với phương pháp này.   

Năm học 2012-2013, Bình Phước triển khai mô hình VNEN ở 28 trường tiểu học (khối lớp 2, 3) với 106 lớp/3.290 học sinh. Đến năm học 2015-2016,   phát triển lên 447 lớp/13.876 học sinh. Ngoài 28 trường tham gia mô hình VNEN, Sở GD-ĐT đã nhân rộng được 27 trường tiểu học dạy học theo mô hình trường học mới. Ông Trần Thanh Thắng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh nhận xét: Sau 4 năm học triển khai thực hiện, áp dụng, nhân rộng mô hình VNEN, học sinh đã thay đổi thói quen học tập, làm quen với cách học theo nhóm; hình thành và phát triển năng lực tự học, chủ động trong học tập. Mỗi học sinh khi đến trường luôn có ý thức phải bắt đầu và kết thúc hoạt động như thế nào, không chờ giáo viên nhắc nhở. Điều dễ nhận thấy ở các lớp thực hiện mô hình VNEN là học sinh rất mạnh dạn, tự tin, đặc biệt kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, đánh giá và tự đánh giá... của các em hơn hẳn học sinh ở các lớp học truyền thống.

“Dự án mô hình “Trường học mới Việt Nam” sẽ kết thúc vào cuối năm học 2015-2016 nhưng trên cơ sở những kết quả đã đạt được từ năm học 2012-2013 đến nay, Sở GD-ĐT vẫn tiếp tục duy trì những trường học đã tham gia và nhân rộng mô hình VNEN ở những trường tiểu học còn lại trong thời gian tới” - ông Thắng nói.

 Vũ Thuyên

  • Từ khóa
85910

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu