Thứ 5, 25/04/2024 12:06:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:54, 14/03/2015 GMT+7

Dấu chân bốn ngón

Thứ 7, 14/03/2015 | 15:54:00 1,002 lượt xem
BPO - Cánh cửa bị gió quật làm sút bản lề, ngã cái rầm.

Bà Tư Biển giật mình đánh rơi đũa bếp, hối hả chạy lên nhà trên. Mưa tạt xối xả vào mái hiên. Mưa trắng trời ngoài sông. Bà Tư loay hoay không đỡ nổi cánh cửa, lật đật lấy tấm bạt, bắc ghế trèo lên cột dây chằng hai bên mép cửa. Gió vẫn thốc vào nhà, mưa tạt ướt hết mặt mày tóc tai, bà Tư ngồi thở dốc.

Giờ này, ông Tư còn đang chạy đò, phải qua hai quãng sông mới về được nhà. Nhà nằm ngoài vàm sông, trên một cù lao. Hồi xưa, bà Tư hay ta thán: Đất dài sông rộng, cớ gì lại chọn cái xứ khỉ ho cò gáy này. Những lúc như vậy, ông Tư chỉ cười. Đất dài sông rộng, người mênh mông, cớ gì bà chọn theo ông đến cái xứ thật ra cũng không có khỉ để ho cò để gáy. Vậy mà đã mấy chục năm, từ cái ngày ông đặt chân lên cù lao hoang vu này khai hoang lập ấp. Đặt tên đất là Nam Thiêng - đất thiêng phía trời Nam. Không biết trời xui đất khiến thế nào, đang yên sống đời ghe chợ, ông Tư một hôm lại nảy ý định luồn qua mấy con rạch nhỏ, men theo cửa biển chạy ghe một mạch đi tìm đất. Ông nói, đời người làm gì cũng phải có miếng đất cắm dùi. Mà đất ở đâu ra? Ông sống đời lang bạt kỳ hồ, gặp bà cũng chạy ghe chạy chợ. Gắn đời vào nhau rồi cứ thế đời trôi bồng bềnh trên những khúc sông. Hai vợ chồng ngày ấy đến vùng đất này chỉ có chiếc ghe nhỏ, túi quần áo và ít lương thực. À không, còn có thêm một người.

Thằng Nên.

Lúc đó thằng Nên còn chòi đạp trong bụng bà Tư, có biết trời đất là thế nào. Người ta nói những đứa trẻ ra đời trong điều kiện đặc biệt lớn lên có thể khác người. Chẳng biết có đúng với đứa trẻ nào trên cõi đời này chưa, nhưng thằng Nên thì khác thật. Nó chỉ có bốn ngón chân. Chỗ ngón chân cái là một mô thịt tròn tròn, không có móng. Những ngày chạy nhảy, dấu chân bốn ngón của nó in khắp con đường đất. Nhiều năm sau này, khi đất đã thành làng, dân tứ xứ tìm về an cư, ai cũng có thể dễ dàng nhận biết nơi thằng Nên đi qua nhờ dấu chân bốn ngón.

Rồi cũng vì dấu chân có bốn ngón mà thằng Nên bị buộc tội ăn cắp gà.

Xứ cù lao chưa đầy 200 nhân khẩu, có mấy mươi đàn gà, đến mùa bán thương lái sẽ đáp ghe đến cân mua. Đàn gà nhà Lạp vừa đúng mùa bán, hẹn thương lái chỉ mấy ngày nữa đến trói chân, ấy vậy mà sau một đêm tối trời, đàn gà biến mất không còn một con. Chuồng gà bị khoét một lỗ to tướng. Người ta chẳng biết kẻ trộm làm cách nào mà dọn hết đàn một cách êm thấm. Đàn gà chỉ một con nhảy ổ hụt chân cũng khiến cả đám kêu táo tác, vậy mà trong đêm mất trộm, nhà Lạp ngủ ngon chẳng nghe tiếng kêu nào.

Gà không kêu. Nhưng dấu chân bốn ngón sau bụi tầm vông đã tố cáo kẻ trộm. Nên là con trai trưởng ấp, trưởng ấp là ân nhân của làng. Nhưng không có nghĩa vì thế mà thằng Nên được bỏ qua. Đụng vào mồ hôi nước mắt, miếng cơm manh áo của người ta…

Nhà Lạp đến tố khổ. Rồi mời vợ chồng ông Tư Biển đến kiểm chứng dấu chân bốn ngón. Bà Tư sụp xuống. Cái dấu chân này, nó đã quen thuộc với bà từ ngày thằng Nên còn nhỏ xíu, lẫm chẫm tập đi cho đến khi chạy nhảy ngoài bến sông, trên những con đường đất. 15 năm của thằng Nên, không biết đã có mấy vạn mấy ngàn dấu chân bốn ngón in trên đất cù lao. Bà nào ngờ một ngày dấu chân ấy thành tội lỗi, nó đạp nát hết những dấu chân bà từng yêu thương, tin cậy, hy vọng, chờ mong. Cái bà mong mỏi nhất là bàn chân bốn ngón của thằng Nên sẽ có ngày bước đi trên thành phố kìa. Thành phố, cái nơi bà sống hết đời cũng không biết có được đặt chân đến. Nhưng thằng Nên thì phải khác. Đời nó phải được ra khỏi Nam Thiêng, đất dài sông rộng cớ gì chôn chặt cuộc đời ở đây.

Bà Tư khóc bù lu bù loa, kể khổ, kể tội thằng con trời đánh. Ông Tư không nói một lời, về ngồi đốt thuốc trước sân nhà, nhìn ra mặt sông trắng xóa. Ông gom hết mớ tiền dành dụm bán đợt muối mùa trước trả cho nhà Lạp. Trưởng ấp cúi đầu nhận lỗi. Nhà Lạp cúi đầu nhận tiền, biết ơn.

Thằng Nên và đàn gà biến mất.

*

Người Nam Thiêng kháo nhau thằng Nên nghiện hút làm càn. Nhưng chẳng ai nỡ nhắc chuyện trước mặt ông bà Tư Biển. Ai cũng nể và thương hai ông bà già đã như ngọn cây trước bão. Ngày tháng lặng im như khúc sông trước nhà nhưng cũng sẵn sàng nổi bão giông. Bà Tư chạy bời bời đi hỏi thăm khắp ngoài xóm chợ, đón xe lên thị trấn dò coi có ai thấy thằng Nên ở đâu không. Không ai thấy. Bà muốn nó được lên thành phố, nhưng không phải là bằng cách này. Nước mắt lưng còng ướt đẫm nắng trưa. Bà lầm lũi với đám rau vườn, mua thêm bầy gà về nuôi. Biết đâu có lúc thằng Nên về, có gà nhà mà trộm. Ông Tư Biển đổi nghề chạy đò dọc, đất dài trời rộng nhưng biết đâu có người đi ngang chợ biết tung tích thằng Nên.

Thằng Nên vẫn bặt tăm. Đàn gà nhà bà Tư mỗi ngày một lớn, chiếc ghe của ông Tư mỗi ngày đi về qua mấy khúc sông. Niềm hy vọng của hai ông bà về thằng Nên cũng như cơn mưa ngoài vàm sông mỗi mùa trắng xóa.

Cuối cùng đàn gà cũng mất.

Nhưng không theo cách êm thấm, chỉ để lại dấu chân bốn ngón như cách của thằng Nên. Đàn gà bị bắt công khai trong một đêm đất trời vần vũ. Ông bà Tư Biển bị trói gô vào thành giường, dao kề cổ. Tiếng gà kêu quang quác không át nổi tiếng mưa. Bà Tư Biển run lẩy bẩy nói mấy chú muốn lấy gì thì lấy, tha cho hai mạng già còn đợi thằng con đi biền biệt chưa về. Bốn tên cướp lục lọi khắp nhà, ném đồ đạc tứ tung. Khạp gạo xúc nghe tiếng lon chạm cả đáy.

- Má, nhà trưởng ấp mà chẳng có cái đếch gì.

Bọn cướp chửi đổng lúc đứng ngoài hàng lu uống ừng ực nước mưa. Xứ cù lao cả năm người dân bán mặt ngoài ruộng muối, có cái gì đổi được gạo mắm cũng đã mang theo hai chuyến đò dọc lên chợ. Có gì mà cướp.

- Cơm còn trong gạc-măng-rê (*), đói thì lấy mà ăn - ông Tư Biển nói trổng không. Bà Tư nhìn ông ngỡ ngàng. Bọn cướp cũng nhìn ông, rồi nhìn nhau.

- Từ đây ra chợ còn lâu lắm, các cậu ăn cơm đi rồi đi - ông Tư vẫn điềm tĩnh.

Bọn cướp hất hàm ra dấu, rồi lục tục kéo xuống bếp. Tiếng mở nắp nồi, khua chén lách cách. Cơm nhà ông Tư chẳng có gì, chỉ có nồi canh rau muống nấu với mấy con cá khô và nước mắm ớt. Bọn chúng ăn xì xụp mà tấm tắc khen ngon. Nhà trên ông Tư cười buồn:

- Thôi thì coi như thằng Nên về cướp đàn gà. Chẳng phải bà cũng muốn nấu cơm cho nó ăn sao?

Bà Tư thở dài, nhìn xuống bếp. Cũng lâu rồi, gian bếp nhà bà mới có những-thằng-người tuổi con bà lục chạn kiếm cơm.

Rồi cả đám cũng kéo đi, không còn tiếng khua bát đĩa trong gian bếp, ngôi nhà trở về im thẳm. Mưa ràn rạt ngoài sông. Bà Tư thở hắt ra:

- Kỳ này thằng Nên về, nhà cũng chẳng còn gì cho nó.

Ông Tư không nói gì, ông nghĩ về đám cướp loi nhoi tuổi thằng Nên. Chắc ở nơi nào đó cũng có những ông bà già tóc bạc ngày đêm mòn mỏi mong thằng con về nhà, như ông bà đang đợi thằng Nên…

*

Một buổi chiều khi đang guộng mấy dây dưa leo hết mùa, bà Tư Biển phát hiện có dấu chân bốn ngón.

Bà rú lên. Bà quơ hết mấy giồng dưa leo, tìm ở đường mương coi có thêm dấu chân nào bốn ngón. Bà ngồi thần thừ nhìn ra ngoài sông, dòng nước bạc đìu hiu sóng vỗ. Mấy năm rồi, hai mái đầu tóc trắng vẫn sống vì niềm tin thằng Nên lúc nào đó sẽ về. Bây giờ nó về rồi đây, về với dấu chân bốn ngón. Bà Tư te te đi khắp đầu làng cuối xóm, hỏi có ai thấy bóng dáng thằng Nên ở đâu không? Không ai thấy. Cũng không có thêm dấu chân bốn ngón nào nữa, nhưng xuất hiện khi túi gạo, lúc mâm thịt heo quay, giỏ trái cây rồi cả mấy bộ quần áo mới. Ông bà Tư càng chắc mẩm thằng Nên về. Không nó thì ai. Ông Tư khấp khởi mừng thầm. Đêm nào ông cũng ngồi nhìn ra sông. Thằng Nên mà về, ông sẽ nói ông bà tha thứ cho nó, làng đã tha thứ cho nó. Biệt xứ mấy năm không biết sống chết ra sao đã là một hình phạt quá đủ rồi.

Nhưng không đêm nào ông bà Tư nhìn thấy thằng Nên. Có đêm thấy một chiếc ghe nhấp nhô ngoài bến, ông xách đèn băng băng chạy ra. Ghe của người lạ. Có đêm ông núp sau thân đước rình. Chỉ có những chiếc ghe của người không quen biết neo lại ngoài vàm. Thằng Nên vẫn bặt vô âm tín. Dấu chân bốn ngón trong vườn cứ như dấu chân ma. Bà Tư ngày đêm thắp nhang vái trời Phật phù hộ. Những năm tháng gian khổ, trần ai nhất ông bà vẫn tìm ra một con đường sống. Vì thằng Nên ông đã băng qua cả vạt rừng bị bom Napal tàn phá, đặt chân lên mảnh đất khô cằn không có sự sống. Vì thằng Nên bà chẳng quản ngại đổi cuộc đời trên đồng muối trắng, nắng gió buốt thịt da. Vì thằng Nên ông mất đi một cánh tay trong cuộc chiến sống còn với cá sấu khi dong ghe bắt cá. Thằng Nên - cái tên ông bà đặt cho cũng là mong muốn nó sẽ nên người. Vậy mà, có lẽ nào ông bà mất nó chỉ vì một đàn gà.

- Đận này thằng Nên chắc về hả bà?

Ông Tư hay hỏi vào mỗi mùa nước lớn. Khi con bìm bịp kêu chiều thắt thẻo ngoài bến sông.

- Chắc năm nay thằng Nên về.

Bà Tư hay chép miệng bảo thế mỗi khi làng nô nức hẹn nhau cùng dong ghe ra chợ mua hoa, mua mứt Tết.

Những câu hỏi và những câu trả lời. Không biết bao nhiêu mùa tóc bạc.

Những phẩm vật vẫn cứ được gửi lại trước cửa nhà. Ông bà không nhận nữa. Đem hết ra ngoài bến, cắm ba cây nhang. Để lại mảnh giấy “Của thằng Nên thì về nhà đi con!”. Ngày nối ngày. Bà Tư thấp thỏm chờ. Cảm giác thằng Nên đi làm ăn xa, bận bịu về tạt ngang cho thức ăn, quần áo. Cứ có hy vọng là bà bám vào đó mà tin. Người già không còn phía trước, chỉ còn sống bằng ký ức và những đứa con làm nên hy vọng.

Nhưng không phải của thằng Nên.

Người ghé lên nhà thú nhận là “thằng Chiến”. Phải mất một hồi lâu ông bà Tư Biển mới nhớ ra thằng Chiến là kẻ cầm đầu băng cướp đường sông năm nào. Chiến quay về trả ơn. Hắn quỳ lạy ông bà Tư Biển như ân nhân. Hắn bảo lần đầu tiên trong đời đi cướp có người kêu hắn ăn cơm chứ không rủa xả mắng nhiếc hay sợ hãi hắn. Cảm giác ăn cơm nhà với một đứa trẻ mồ côi lăn lóc bụi đời thật quý giá. Về sau hắn bỏ “nghề”, gom góp mở một xưởng mộc, kêu gọi anh em giang hồ tứ chiếng về làm ăn lương thiện. Để được ăn cùng nhau những bữa cơm nhà, không ăn nhục trong tiếng đời khinh khi chửi rủa. Chiến bảo vẫn cứ nhớ hoài món cơm canh rau muống cá khô trong cái đêm mưa bão năm nào.

Ông Tư Biển cười mà quặn lòng. Thằng kẻ cướp năm xưa và thằng người hiền lành trước mặt ông bây giờ, chỉ đáng tuổi con ông. Thằng Chiến ăn một lần vẫn nhớ bữa cơm của người lạ, còn thằng Nên cơm nhà của mẹ cha sao chẳng thấy quay về. Ý nghĩ làm ông não ruột não gan.

Chiến dong ghe đi rồi, bà Tư còn đứng tần ngần trông theo. Nói cái thằng sống được.

Nhưng ông bà không biết phía trong đôi giày Chiến mang cũng là bàn chân thiếu mất một ngón, từ cái ngày Chiến tự chặt đứt ngón chân cái như một lời thề hoàn lương với chính mình.

…Ngày đang sang mùa hoa vạn thọ. Ông Tư dõi mắt nhìn ra khúc quanh của vàm sông:

- Đận này, thằng Nên chắc về phải không bà?

(*) Gạc-măng-rê: garde-manger (tiếng Pháp) - tủ đựng thức ăn.

Nguồn PNO

  • Từ khóa
87260

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu