Thứ 6, 19/04/2024 17:21:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:06, 04/05/2018 GMT+7

Dấu ấn thời tiết ở Trường Sa

T.H
Thứ 6, 04/05/2018 | 13:06:00 2,321 lượt xem
BP - Quần đảo Trường Sa của Việt Nam nằm về phía nam biển Đông, từ 6030’ đến 12000 vĩ Bắc, 111000 đến 117020’ kinh Đông, cách vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) 248 hải lý và cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) gần 600 hải lý. Đây là quần thể gồm hơn 100 đảo, bãi ngầm, bãi san hô, trải rộng trên vùng biển khoảng 180.000km2 và án ngữ vùng biển rộng phía Đông Nam nước ta.

Quần đảo Trường Sa trong vùng khí hậu nhiệt đới, được chia thành 2 mùa: mùa khô từ tháng 1 đến tháng 5 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 của năm sau, với lượng mưa rất lớn, khoảng hơn 2.500mm. Gió mùa Đông Nam thổi qua Trường Sa từ tháng 3 đến tháng 4, trong khi gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 11. Tại trạm khí tượng trên đảo Trường Sa, nhiệt độ trung bình trong năm 27,7OC. Ở Trường Sa, các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: giông, lốc diễn ra thường xuyên. Hằng năm, ở quần đảo Trường Sa có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đồng đều trong các tháng và là nơi thường có bão lớn đi qua, tập trung vào những tháng mùa mưa.

Trong những ngày tháp tùng cùng đoàn cán bộ của tỉnh đi thăm, tặng quà quân, dân trên các đảo ở Trường Sa và nhà giàn DK1, phóng viên Báo Bình Phước đã ghi lại những dấu ấn của khí hậu, thời tiết nơi đây. Mong rằng qua những tấm ảnh sau đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về cuộc sống cũng như tinh thần, ý chí khuất phục thiên nhiên và môi trường khắc nghiệt của người lính ở Trường Sa.

Quần đảo Trường Sa quanh năm có gió mạnh. Trên các đảo hầu như không có nước ngọt, đất thì phần lớn là cát và san hô. Vì thế, việc trồng cây đã khó, nhưng làm thế nào cho cây sống càng khó khăn hơn. Để trồng và bảo đảm cây bàng vuông sống được, các chiến sĩ phải dùng 3 cọc sắt to cắm sâu xuống đất ở vị trí ba đỉnh của hình tam giác, rồi đan hai lớp lưới để che cho cây không bị gió thổi bật khỏi hố. Trong ảnh: Những cây bàng vuông mới được trồng ở đảo An Bang.

Ngày 24-12-2017, cơn bão Tembin đổ bộ vào Trường Sa với sức gió giật cấp 15. Tất cả cây trồng và các công trình xây dựng trên đảo đều bị ảnh hưởng nặng. Hệ thống điện năng lượng mặt trời trên nhiều nóc nhà bị thổi bay xuống biển. Trong ảnh: Những cây cổ thụ và cả trụ điện gió được xây dựng vững chắc nhưng vẫn bị gió quật đổ. 

Trên đảo Trường Sa Lớn chỉ duy nhất có cây dừa là không bị bão quật đổ, vì trồng trong sân của sở chỉ huy đảo và được các dãy nhà 2 tầng xung quanh che chắn gió.

Ai đó nói rằng khí hậu và thời tiết ở khu vực đảo Trường Sa rất khắc nghiệt, thì người nghe cũng chỉ biết là vậy. Nhưng có đến tận nơi, được nhìn rõ, đặc biệt là đến với đảo An Bang mới cảm nhận được sự khắc nghiệt ấy đến chừng nào. Vì đảo An Bang trong khu vực thời tiết rất bất thường. Tuy là đảo nhỏ, nhưng hai bên sườn An Bang có hai dòng hải lưu trái chiều nhau, mỗi khi gió lớn, sóng biển có thể cao hơn 20m và đưa nước biển từ bờ đảo phía Đông bay tạt sang phía Tây. Sau mỗi đợt thủy triều lên nếu gặp gió to, sóng lớn thì doi cát khoảng 5.000m3 ở đảo An Bang sẽ bị sóng biển di chuyển sang vị trí khác. Và cứ như thế, một năm doi cát này được dịch chuyển sang vị trí khác nhau ở xung quanh đảo. Đây là nguyên nhân làm cho An Bang là đảo duy nhất ở Trường Sa không có cầu tàu, vì nếu có cũng sẽ bị cát vùi lấp. Trong ảnh: Đảo An Bang với doi cát nhìn từ xa.

Trong kế hoạch tổ chức các đoàn ra thăm quân và dân trên các đảo ở Trường Sa, Bộ tư lệnh Hải quân đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chọn những cán bộ có sức khỏe, không bị các bệnh về tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường... Đây quả là yêu cầu xác đáng. Vì thời tiết và khí hậu ở khu vực Trường Sa rất thất thường. Do đó, có sự sai lệch lớn giữa thực tế so với dự báo của các đài khí tượng. Có lúc tàu dừng để đoàn công tác vào đảo thăm cán bộ, chiến sĩ thì gió êm, sóng lặng, nhưng khi tàu vừa nhổ neo thì gió to, sóng lớn. Trong chuyến đi 10 ngày ra Trường Sa, chúng tôi đã có nhiều bữa ăn phải ngồi trên sàn, vì khi tàu lắc làm cho các tô, dĩa đựng thức ăn di chuyển, có khi va chạm nhau và đổ hết ra sàn. Chiều ngày 10-4-2018, các chiến sĩ ở nhà bếp vừa dọn xong chén, đĩa, tô đựng thức ăn trên bàn thì tàu bị sóng mạnh làm nghiêng nên mọi thứ trên bàn đều rơi xuống sàn tàu và bị vỡ. Trong ảnh: Các chiến sĩ dọn dẹp tô, chén bị vỡ trên sàn tàu.

Khí hậu và thời tiết ở Trường Sa khắc nghiệt là vậy, song không ngăn được ý chí, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn. Mặc dù sống trên lưng chừng trời và bốn bề là biển cả mênh mông, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn DK1 vẫn sáng tạo bằng nhiều cách buộc thiên nhiên phải khuất phục. Trong ảnh: Trên nhà giàn DK1 cách mặt biển 45-50m, cán bộ, chiến sĩ vẫn tận dụng khoảng trống ở lan can của nhà giàn để trồng rau xanh.

  • Từ khóa
93563

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu