Thứ 3, 19/03/2024 17:25:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:28, 12/04/2014 GMT+7

“Đắt ra quế...”

Thứ 7, 12/04/2014 | 08:28:00 2,045 lượt xem

Hình ảnh hàng trăm chiếc xe tải chở đầy dưa hấu nằm dài đợi thông quan sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) trong những ngày qua trở thành đề tài “nóng” tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã lý giải và đưa ra nhiều nguyên nhân “rất chính đáng” dẫn đến tình trạng ùn ứ này. Khi trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các bên liên quan vẫn chưa được xác định cụ thể, rõ ràng thì người chịu thiệt nhiều nhất vẫn là nông dân. Ở các tỉnh Nam Trung bộ, nhiều hộ phải chấp nhận bán đổ, bán tháo dưa tại ruộng cho thương lái với giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg nhằm vớt vát chút tài sản còn hơn để mất trắng.

Việt Nam là nước sản xuất nhiều hàng hóa nông nghiệp. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta vẫn chưa giải quyết được bài toán được mùa mất giá, được giá mất mùa. Từ lúa gạo, thủy sản, cao su, cà phê, hồ tiêu... đều trải qua những giai đoạn thăng trầm về giá cả theo quy luật thị trường. “Đắt ra quế, ế ra củi” là câu châm ngôn của ông cha ta nói về giá cả của hàng hóa. Một mặt hàng khi ít và trở nên khan hiếm thì có giá rất đắt, được ví như vỏ cây quế rất có giá trị trong đông y. Còn nếu nhiều quá đến mức cung vượt quá cầu thì dù quý hiếm cũng chẳng ai mua, chỉ rẻ như củi mà thôi. Chúng ta không thể phá bỏ quy luật giá cả của kinh tế thị trường, song có thể điều tiết được. Mới đây, để cân đối cung cầu, đẩy giá cao su tăng lên, Công ty Cao su Quốc tế ba bên (IRCo) do 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới (chiếm 70% sản lượng toàn cầu) là Thái Lan, Indonesia và Malaysia thành lập đã cam kết sẽ giảm 10% sản lượng khai thác (tương đương khoảng 300 ngàn tấn). IRCo cũng đã có thư gửi Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) khuyến cáo hội viên không bán cao su với giá quá thấp. Đây là một quyết định rất kịp thời đáng để các nhà quản lý kinh tế của chúng ta học tập.

Bình Phước là địa phương có diện tích và sản lượng các loại cây công nghiệp như cao su, điều, ca cao, hồ tiêu... thuộc hàng lớn nhất, nhì cả nước. Do giá cả các mặt hàng này phụ thuộc rất lớn vào thị trường nên nhiều nông dân trở thành tỷ phú nhờ những loại cây này, song số hộ phải tán gia bại sản, phải cầm cố tài sản vay nợ ngân hàng cũng không ít. Phần lớn nông dân vẫn nặng về tư duy làm kinh tế theo phong trào. Thấy cây gì có giá thì đua nhau trồng. Đến lúc mất giá thì đua nhau chặt. Trong khi khoảng thời gian từ lúc trồng đến lúc cho thu hoạch đối với các loại cây này khá dài nên người nông dân phải biết lấy ngắn nuôi dài, kiên trì, chấp nhận “sống chung” với giá bán lúc cao, lúc thấp. Đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể trong công tác quy hoạch phát triển sản xuất, đầu tư khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Đây là một trong những tiền đề quan trọng nhằm xây dựng và khẳng định uy tín thương hiệu hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.

Nguyễn Bảo

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu