Thứ 6, 19/04/2024 01:56:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:54, 06/04/2017 GMT+7

Đặt nền móng cho thương mại khu vực biên giới

Thứ 5, 06/04/2017 | 13:54:00 297 lượt xem
BP - Sau 45 năm giải phóng, kinh tế - xã hội của huyện biên giới Lộc Ninh đã có bước chuyển mình ấn tượng với nhiều thành tựu nổi bật. Việc hình thành và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu (KKT) Hoa Lư đã và đang là động lực đưa Lộc Ninh tăng tốc trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Triển vọng phát triển

KKT cửa khẩu Hoa Lư (KKT cửa khẩu Bonuê trước đây) được thành lập theo Quyết định số 03/2005/QĐ-TTg, ngày 5-3-2005 của Thủ tướng Chính phủ nằm trên địa bàn các xã Lộc Thái, Lộc Tấn, Lộc Hòa, Lộc Thạnh và thị trấn Lộc Ninh. Cách TP. Hồ Chí Minh 150km và thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia khoảng 300km, KKT cửa khẩu Hoa Lư là cửa ngõ quan trọng về đường bộ và đường sắt ra quốc tế và cũng là tuyến giao thông ngắn nhất, thuận tiện nhất nối liền 3 nước Đông Dương với Thái Lan. Đây là cơ hội lớn để Lộc Ninh phát huy lợi thế và là cầu nối quan trọng trong thông thương hàng hóa, du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Xuất nhập khẩu tấp nập qua cửa khẩu vào KKT Hoa Lư

Ông Nguyễn Nhật Tân, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết: Việc hình thành KKT cửa khẩu Hoa Lư đã khơi dậy và phát huy tiềm năng của địa bàn. KKT cửa khẩu Hoa Lư tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đời sống nhân dân địa phương được nâng cao, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút dân cư đến làm ăn, sinh sống, gắn bó với biên giới. Đồng thời từng bước mở rộng quan hệ, giao lưu, củng cố tình hữu nghị giữa Bình Phước với các tỉnh của Vương quốc Campuchia.

Đặc biệt, từ KKT cửa khẩu Hoa Lư đến tỉnh Chămpasắk của Lào khoảng 500km và từ Chămpasắk đi Undo (Thái Lan) khoảng 60km nên rất thuận lợi phát triển du lịch khu vực. Qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, trong một ngày, du khách có thể đi 4 nước, với lộ trình sáng ở Lộc Ninh, trưa đến Stung Treng (Campuchia), chiều có thể thưởng thức hương vị các món ăn của người dân Lào tại Chămpasắk và tối nghỉ ở Undo (Thái Lan).

Khởi sắc nhờ đầu tư

Năm 2009, tỉnh đã xây dựng Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Hoa Lư cạnh quốc lộ 13 trên diện tích 0,8 ha với vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng. Trạm đã làm tốt quản lý cửa khẩu và giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn. Hoạt động thương mại qua cửa khẩu có bước tăng trưởng vượt bậc qua các năm và kim ngạch xuất nhập khẩu qua KKT cửa khẩu Hoa Lư năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo báo cáo của Ban quản lý KKT tỉnh, đến nay KKT cửa khẩu Hoa Lư được bố trí tổng vốn đầu tư hạ tầng 178,6 tỷ đồng, chủ yếu từ Trung ương. Riêng năm 2016, KKT cửa khẩu Hoa Lư được đầu tư 40,304 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương, trong đó 21 tỷ đồng đầu tư công trình đường và kênh thoát nước giai đoạn 2013-2017, còn lại là xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Lộc Ninh.

Đến nay, KKT cửa khẩu Hoa Lư đã giao đất cho 66 doanh nghiệp thực hiện dự án với tổng 353 ha, trong đó 21 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 2 triệu USD và 778,14 tỷ đồng; 8 doanh nghiệp đang triển khai xây dựng. Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 72%, còn doanh nghiệp trong nước đạt 7,4% so với vốn đăng ký. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Nhật Tân cho rằng, triển vọng của KKT cửa khẩu Hoa Lư chính là động lực thúc đẩy kinh tế dịch vụ của các xã vùng biên Lộc Ninh phát triển. Nhờ đó, đời sống dân cư khu vực biên giới được cải thiện đáng kể và tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ. Thương mại biên giới không chỉ góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện mà còn tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động ở các xã giáp ranh, hình thành các điểm tập trung dân cư mới dọc tuyến biên giới.

Để KKT cửa khẩu “cất cánh”

Tại buổi làm việc mới đây với Ban quản lý KKT tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho rằng: KKT cửa khẩu Hoa Lư tuy có khởi sắc về cơ sở hạ tầng, thu hút được doanh nghiệp, nhưng chưa nhộn nhịp và còn nhiều hạn chế so với các KKT cửa khẩu trong khu vực, chưa đáp ứng tốc độ hội nhập kinh tế ASEAN. Ban quản lý KKT phải linh động thu hút doanh nghiệp trên cơ sở thành lập cụm công nghiệp (tỉnh phê duyệt) để tạo việc làm cho lao động tại chỗ; xây dựng cơ sở hạ tầng phải ưu tiên khu vực thuận lợi, cặp theo quốc lộ 13 để phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng phía trong KKT cửa khẩu Hoa Lư.

Với góc độ quản lý ở địa phương, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Nhật Tân cho rằng: Muốn KKT cửa khẩu Hoa Lư “cất cánh” cần phải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đạt chất lượng đáp ứng nhu cầu vận hành và thu hút đầu tư. Hiện khu vực này đã có chợ cửa khẩu nên cần nhanh chóng đầu tư xây dựng khu thương mại - dịch vụ ở khu quy hoạch mới để mở rộng giao thương buôn bán.

Theo định hướng, KKT cửa khẩu Hoa Lư phát triển sẽ trở thành một KKT cửa khẩu mang tầm vóc quốc tế, hiện đại, có khả năng cạnh tranh cao so với các KKT trong khu vực, tạo nguồn lực đủ sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng. Hy vọng, với hàng loạt chính sách ưu đãi về thuế, phí sử dụng đất, thủ tục đầu tư thông thoáng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với KKT cửa khẩu Hoa Lư trong thời gian tới, đặt nền móng cho hoạt động thương mại khu vực biên giới Lộc Ninh ngày càng phát triển.

Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với vai trò, vị trí của “cửa ngõ mở ra với thế giới”, huyện Lộc Ninh sau 45 năm giải phóng đã và đang từng bước khẳng định mình, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của đất nước nói chung và Bình Phước nói riêng.

T. Mảng

  • Từ khóa
41384

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu