Thứ 5, 28/03/2024 21:34:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:04, 10/11/2018 GMT+7

Đất không phụ công người

Thứ 7, 10/11/2018 | 14:04:00 238 lượt xem
BP - Khởi đầu nhiều khó khăn nhưng với nghị lực vươn lên, đến nay ông Lục Văn Tính, dân tộc Nùng, ngụ ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa (Đồng Phú) thu nhập ổn định nhờ cách làm kinh tế tổng hợp.

Sinh ra tại huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng, ông Tính là con cả trong gia đình có 6 anh em trai. Cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa nước trong những thung lũng hoặc làm rẫy trên sườn đồi. Do địa hình vùng rừng núi phía Bắc có độ dốc cao nên gặp mưa lớn thì hoa màu thường bị cuốn trôi xuống suối; mùa hè, nắng hạn thiếu nước hoa màu khô héo, mùa màng thất bát. Tuổi thơ của ông là những ngày theo cha mẹ vào rừng lấy củi, hái măng... kiếm kế sinh nhai.

Vườn tiêu năng suất cao của gia đình ông Lục Văn Tính

19 tuổi, ông xây dựng gia đình, tuy rất chăm chỉ lao động nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá lên được. Năm 1991, vợ chồng ông di cư vào Bình Phước lập nghiệp. Ông cho biết: “Vợ chồng tôi vào đến Bình Phước là không còn một đồng nào, phải ở nhờ tại chòi rẫy của bà con tại ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa. Lúc đầu cả 2 vợ chồng đi mót than vụn tại các lò than bán lấy tiền mua gạo, rồi nhận làm thuê nhiều việc để sinh sống...”. Năm 1993, vợ chồng ông vay mượn được 1 chỉ vàng và mua thiếu 4 ha đất rẫy tại ấp Đồng Chắc với giá 6 chỉ vàng rồi chặt cây làm chòi ở. Hằng ngày, vợ chồng ông đi làm thuê và tranh thủ làm vườn nhà. Những năm đầu do thiếu vốn, vợ chồng ông chỉ trồng cây ngắn ngày, như lúa rẫy, bắp, đậu... Sau 4 năm cần cù lao động và chi tiêu tiết kiệm, ông đã trả hết số nợ mua rẫy. Sau đó ông chuyển sang trồng mì. Mì được giá, thu nhập cao, ông đầu tư sửa sang lại căn nhà. Năm 1997, ông trồng 1 ha cao su, đến năm 2011 trồng thêm 3 ha nữa. Đến nay, ông có 4 ha cao su đang thu hoạch, 1 ha điều, 5 sào tiêu, 40 cây mít Thái và nhiều cây ăn trái khác. Đất rộng ông xây dựng chuồng trại nuôi gà thả vườn, đào ao nuôi cá trê lai... để tăng thu nhập.

Ông Tính cho biết, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nông dân phải tận dụng đất đai để nâng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao. Vì vậy, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng. Nhờ vậy, ông Tính nắm vững kỹ thuật, hiểu tường tận quá trình sinh trưởng của cây để có cách xử lý kịp thời khi phát sinh nấm, sâu, bệnh gây hại. Để cao su phát triển tốt và cho sản lượng mủ cao, mỗi năm ông bón phân 3 lần vào đầu, giữa mùa mưa và đầu mùa khô. Giữa mùa mưa, cây cao su hay bị bệnh nấm hồng, bọ trĩ nên chú trọng xịt thuốc. Bên cạnh đó, nông dân phải thường xuyên bám sát vườn cao su theo dõi phát hiện bệnh để điều trị kịp thời, tránh lây lan diện rộng.

Để nuôi gà thả vườn, ông chọn khu đất cao ráo, thoáng mát làm chuồng. Ông cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng rất sành ăn, vì vậy chỉ cho gà ăn bắp và nuôi thả vườn nhà nên thịt chắc, thơm ngon. Ông còn nuôi gà trống thiến để bán cho các hộ dân tộc Tày, Nùng cúng vào dịp lễ, tết... Giá gà trống thiến cao gấp đôi giá gà thường. Với cách làm kinh tế kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, gia đình ông Tính đã thu về gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Với suy nghĩ không để cái nghèo đeo bám, bằng ý chí và nghị lực, gia đình ông Lục Văn Tính đã vượt qua khó khăn vươn lên làm giàu chính đáng.

Khắc Bảy

  • Từ khóa
43513

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu