Thứ 6, 29/03/2024 17:54:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:13, 12/11/2015 GMT+7

Đất đai chưa bao giờ mất tính thời sự

Thứ 5, 12/11/2015 | 15:13:00 202 lượt xem

BP - Hôn nhân và điền thổ là những chuyện hệ trọng bậc nhất, là mối trăn trở muôn đời! Đánh giá đó của cha ông ta quả không sai và cho đến thời điểm này vẫn là chuyện mang tính thời sự. Ở thành thị, “Tấc đất tấc vàng” hẳn không cần phải bàn cãi và không thiếu ví dụ minh họa để hiểu câu thành ngữ này theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đối với trường hợp “cò bay mỏi cánh” thì sao?

Hôm qua 10-11, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng (Hà Nội), nghị trường Quốc hội khóa XIII đã “nóng” lên với chất vấn của các đại biểu và báo cáo của Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước về vấn đề quản lý, giao khoán đất lâm nghiệp. Một số đại biểu thẳng thắn cho rằng, tình trạng quản lý đất lâm nghiệp hiện nay không khác gì giao quyền cho các nông lâm trường “phát canh thu tô” nhưng Nhà nước lại không thu được gì. Nhiều đại biểu thẳng thắn nêu lên tình trạng người dân thiếu đất canh tác để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, trong khi hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân lại được giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp với diện tích lớn. Doanh nghiệp, nông - lâm trường không quản lý được và bỏ hoang, người dân khó khăn nên lấn chiếm. Sự lỏng lẻo và bất hợp lý đó dẫn tới tình trạng quản lý đất lâm nghiệp hiệu quả kém. Hệ quả là tài nguyên thiên nhiên bị xâm phạm, mất ổn định trật tự xã hội, một nhóm người trục lợi từ kẽ hở quản lý của Nhà nước. Đó cũng là nguyên nhân xuất hiện mâu thuẫn giữa doanh nghiệp, nông - lâm trường với người dân, dẫn tới khiếu kiện tập thể kéo dài... Những vấn đề này được các đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Phú Thọ, Trà Vinh, Nghệ An, Hà Nội, Đồng Nai, Thanh Hóa... nêu lên một cách khá gay gắt.

Bình Phước cũng không nằm ngoài thực trạng chung đó. Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Phạm Thị Mỹ Lệ cho rằng: “Việc quản lý đất nông - lâm trường hiện đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều tồn tại. Diện tích đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất hiện nay đang bị thu hẹp. Để khắc phục tình trạng đó nên chọn loại cây trồng rừng phù hợp. Tôi đề nghị đưa cây điều vào loại cây được trồng rừng. Cây điều có tuổi thọ cao, có tác dụng giữ đất, chống xói mòn, mang lại hiệu quả kinh tế”.

Bình Phước là một trong những tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Thời gian qua, việc quản lý đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều vấn đề nổi cộm. Đã có một số sai phạm liên quan đến quản lý đất lâm nghiệp bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, như sai phạm xảy ra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng, Ban quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, Ban quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh... Tuy nhiên, không khó để nhận thấy những sai phạm được phát hiện và xử lý chỉ là phần nhỏ so với thực tế.

Từ nhiều năm qua, Bình Phước xác định đất đai là một trong những lợi thế lớn nhất trong quá trình phát triển kinh tế. Lợi thế đất đai của Bình Phước không chỉ là yếu tố thu hút nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, xây dựng nhà xưởng. Đó còn là nền tảng vững chắc cho phần lớn người dân hiện đang sinh sống, lao động và thu nhập chính từ lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì thế, việc quản lý, sử dụng hiệu quả và phát huy lợi thế, tiềm năng đất lâm nghiệp nói chung, đất đai nói riêng, là một trong những bài toán quan trọng hàng đầu của Bình Phước. Đó cũng là bài toán ở tầm vĩ mô đặt ra từ nhiều năm qua và chưa bao giờ mất tính thời sự đối với lãnh đạo tỉnh, nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng tham mưu.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu