Thứ 4, 24/04/2024 20:19:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:05, 06/06/2013 GMT+7

Đập thủy lợi bị ô nhiễm

Thứ 5, 06/06/2013 | 10:05:00 319 lượt xem

Hiện người dân ở ấp 4, xã Minh Hưng (Chơn Thành) đang phải gánh chịu mùi hôi bốc lên từ đập thủy lợi. Khi trời nắng nóng, nước ứ đọng lâu ngày, mùi hôi càng nồng nặc, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tình trạng này kéo dài đã gần một năm nhưng chưa được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân.


Người dân mong muốn khai thông cửa tràn để thoát nước trong đập thủy lợi

Đập thủy lợi ở ấp 4 trước đây cung cấp nước tưới cho toàn bộ cánh đồng lúa hàng chục héc ta ở xã Minh Long. Thế nhưng khoảng từ năm 1995 trở lại đây, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ yếu mở rộng diện tích cao su nên đập không còn phát huy tác dụng. Trước đây, người dân vẫn thường xuyên đánh bắt được nguồn thủy sản trong đập. Nay do nước bị ô nhiễm nên cá chết hàng loạt. Nhiều hộ dân ở gần đập cho biết, một năm trở lại đây đập thủy lợi bốc mùi hôi rất khó chịu do tích nước thải lâu ngày từ suối Bưng Rục đổ về. Suối Bưng Rục đi qua địa bàn khu dân cư ấp 4 dẫn đến đập thủy lợi, có chiều dài hơn 2km. Điểm đầu của con suối này tiếp giáp với cửa xả từ Nhà máy gỗ Dongwha thuộc Khu công nghiệp Minh Hưng III.

Ông Trương Văn Hữu ở tổ 6 than phiền: Mùa mưa thì dân đỡ cực, còn mùa khô, nắng kéo dài, nước ứ đọng, mùi hôi nồng nặc hơn. Nhiều hôm nhà tôi phải đi “lánh nạn”. Còn ông Trương Phi Đáng ở tổ 7 trăn trở: “Nếu đập thủy lợi bị ô nhiễm kéo dài thì cuộc sống của khu dân cư ấp 4 sẽ ra sao, đời con cháu của chúng tôi sẽ thế nào? Vừa qua, báo chí nêu rất nhiều trường hợp ở các vùng quê bị mắc bệnh ung thư, da liễu do ăn uống từ nguồn nước bị ô nhiễm”.

Ông Tô Duy Sửu, Trưởng ấp 4 cho rằng: Nếu giữ nguyên hiện trạng đập thủy lợi, không cho nạo vét lưu thông thì nước thải tồn đọng lâu ngày sẽ ngấm vào lòng đất, làm ô nhiễm nguồn nước ngầm. Theo ông Sửu, cả ấp có 345 hộ, nhưng có đến 80 hộ ở xung quanh đập thuộc tổ 7 và 8; số còn lại mức độ ảnh hưởng nhẹ hơn. Trước thực trạng này, Ban điều hành ấp và người dân mong cửa đập tràn sẽ được đầu tư nạo vét sâu 2-3m, chiều dài khoảng 200m để khơi thông dòng chảy với con suối tiếp giáp thuộc địa bàn xã Minh Long, dẫn nước đi xa. Và đây chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài phải xử lý dứt điểm nguồn nước xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Chi bộ ấp 4, xã Minh Hưng nói: Vấn đề ô nhiễm ở đập thủy lợi, chúng tôi đã họp chi bộ nhiều lần và đề xuất kiến nghị theo mong muốn của người dân, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Nguyên nhân đập ô nhiễm là do Nhà máy gỗ Dongwha xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Người dân và cán bộ ấp đã bắt gặp nhiều lần. Chúng tôi có báo cho cán bộ môi trường của huyện, xã xuống trực tiếp chứng kiến hiện trường nhưng họ đến chậm, công ty này đã xả xong.

Nhiều người dân bức xúc cho biết: Nếu tình trạng này còn tiếp tục, họ sẽ đắp cửa cống dẫn nước vào suối Bưng Rục để chặn dòng nước thải. Sự việc kéo dài khiến lòng tin của người dân vào cán bộ ấp đang dần giảm đi. Trước đây, mỗi lần ấp tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động đều nhận được sự hưởng ứng. Nhưng nay đến thuyết phục dân rất khó, đặc biệt là các cuộc họp tổ, ấp thì dân không tham gia.           

Hải Châu

  • Từ khóa
92228

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu