Thứ 5, 18/04/2024 15:58:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:35, 21/12/2017 GMT+7

Đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ - Hướng đi mới của Binh đoàn 16

Thứ 5, 21/12/2017 | 07:35:00 5,549 lượt xem
BP - Định hướng, dạy nghề, tạo việc làm cho quân nhân xuất ngũ là chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội không chỉ góp phần xây dựng nền tảng chính sách hậu phương quân đội mà còn tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định, phục vụ công tác động viên khi cần thiết.

Bộ đội xuất ngũ là lực lượng được học tập, rèn luyện nền nếp chính quy, tính kỷ luật và chấp hành kỷ luật từ trong quân đội. Họ có phẩm chất đạo đức tốt, tác phong nhanh nhẹn, có khả năng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách do được luyện tập trong quân ngũ. Những tố chất đó giúp họ có thể trở thành lực lượng lao động tốt của các đơn vị, doanh nghiệp.

Trao cơ hội học nghề

Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ, quân nhân khi xuất ngũ tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ: Miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Nếu tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề.

Ở Bình Phước, mỗi năm từ 1.000-1.200 thanh niên lên đường nhập ngũ với tuổi đời thuộc độ tuổi lao động chính từ 18-27. Vì thế, khâu tư vấn học nghề và giải quyết việc làm đối với bộ đội xuất ngũ mang ý nghĩa thiết thực, tạo điều kiện cho lực lượng này có cơ hội được học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Trên tinh thần đó, Trường trung cấp nghề số 16 - Binh đoàn 16 đã phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp cao su, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tổ chức tư vấn hướng nghiệp, triển khai đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ, trí thức trẻ tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 vào giữa tháng 12 vừa qua.

Đại tá Trần Hữu Kỳ, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề số 16, cho biết: “Năm nay, chúng tôi tư vấn cho bộ đội và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện thuộc Binh đoàn 16 hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đợt 1-2018. Nhưng từ năm sau, chúng tôi sẽ hướng nghiệp và đào tạo nghề cho tất cả bộ đội xuất ngũ trên địa bàn 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông có nhu cầu. Đây là việc làm phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhiều quân nhân”.

Ban giám hiệu 2 trường chụp hình lưu niệm với các quân nhân chuẩn bị xuất ngũ đợt 1-2018

Trung sĩ Lê Văn Định, Phó trung đội trưởng Trung đội cảnh vệ, Phòng Tham mưu Bộ tư lệnh Binh đoàn 16 chia sẻ: “Mong muốn học nghề để có công việc ổn định sau khi rời quân ngũ không chỉ của riêng chúng tôi mà với trí thức trẻ hoàn thành nghĩa vụ nói chung. Khi lãnh đạo Binh đoàn 16, Trường trung cấp nghề số 16 và Trường cao đẳng Công nghiệp cao su phối hợp liên kết đào tạo, chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình và bản thân để tham gia học tập sau khi xuất ngũ. Vì thế, chúng tôi cảm thấy an tâm hơn”.

Thêm nhiều lựa chọn

Đại tá Trần Hữu Kỳ cho biết thêm, đơn vị liên kết Trường cao đẳng Công nghiệp cao su đào tạo nghề cho bộ đội chuẩn bị xuất ngũ vì trường có 40 năm xây dựng và phát triển, có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động. Trường đang đào tạo khoảng 63 ngành nghề thuộc các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn. Trong đó, các nghề lái xe hạng B1, B2, C; kỹ thuật nông nghiệp; nghề tin học, cơ khí, điện tử, điện dân dụng, điện công nghiệp; trồng, khai thác, chế biến mủ cao su... đang là những nghề rất dễ tìm việc làm ở các nông trường, xí nghiệp, khu công nghiệp hoặc tự làm kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su cũng có các chế độ chính sách riêng đối với học viên là chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện chuẩn bị xuất ngũ như tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp...

Hạ sĩ Đặng Viết Thăng (1994), Tiểu đội trưởng Trung đội cảnh vệ, Phòng Tham mưu, Bộ tư lệnh Binh đoàn 16 cho biết: “Tôi cũng như nhiều quân nhân xuất ngũ vào đầu năm 2018 còn cảm thấy bỡ ngỡ, chưa xác định được nghề nghiệp sẽ làm sau khi ra quân. Tại buổi tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng với các cấp lãnh đạo của Binh đoàn 16; đồng thời tìm hiểu nghề phù hợp và thế mạnh hiện nay của tỉnh, các chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, tìm việc làm theo quy định của Nhà nước. Với thời hạn 1 năm học, chúng tôi đều mong tìm được việc làm, cho thu nhập ổn định. Được sự tư vấn của trường, sau xuất ngũ tôi chọn học nghề lái ôtô vì thấy có thể gắn bó lâu dài với nghề này”.

Nhiều năm gần đây, việc định hướng nghề nghiệp, tổ chức tuyển dụng quân nhân xuất ngũ đã qua đào tạo nghề vào làm việc tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp... dần được cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh quan tâm. Bên cạnh đó đã có nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp “đặt hàng” quân nhân xuất ngũ vào làm việc. Việc quân nhân được học nghề sẽ mở ra nhiều hơn cơ hội việc làm, trở thành công nhân, nhân viên của các cơ quan, doanh nghiệp để có thu nhập ổn định, lâu dài.

Ngọc Tú - Anh Đức

  • Từ khóa
1392

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu