Thứ 6, 19/04/2024 20:27:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:34, 14/11/2019 GMT+7

Đạo đức và lễ giáo

Thứ 5, 14/11/2019 | 14:34:00 403 lượt xem

BP - Thời nhà Nguyễn, tội tham ô, tham nhũng của dân bị trừng trị rất nghiêm khắc. Bộ luật Gia Long ra đời gồm 400 điều thì có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng. Trong đó Điều 31 quy định quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất là 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Tại Điều 111 Bộ luật Gia Long có quy định: Quan lại dùng uy thế (chức vụ) vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ.

Để kiểm soát quyền lực, nhất là lạm quyền, triều Nguyễn coi tội tham nhũng là tội phạm nghiêm trọng, gây tác hại nhiều mặt cho xã hội, cần nghiêm trị. Ông nhắc tới vụ án năm 1826 trong “Đại Nam thực lục” ghi về việc Trần Công Trung đòi ăn tiền, làm khó dễ, việc bị phát giác. Nhà vua khi đó nói: “Tang vật của vụ án Trần Công Trung tuy không quá 10 lạng, nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu nhu nhơ để sống một mạng ấy thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được”. Vua sai chém Trung ở chợ Đông.

Năm 1816, Thượng thư bộ Binh là Đặng Trần Thường bị xét xử. Trong thời gian làm quan ở Bắc thành, Đặng Trần Thường đã nhũng nhiễu tham ô tiền thuế điền và ao đầm của dân nên y bị khép vào tội tử hình và tịch biên hết tài sản. Tháng 5-1823, một ông quan làm việc tại Phủ Nội vụ tên Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn 1 lạng vàng bị phát hiện, bị đưa ra giữa chợ Đông Ba xử chém cho dân chúng được chứng kiến. Không những thế, vào thời nhà Nguyễn, các quan tham nhũng của dân đều bị tịch thu tài sản, đem xử chém trước dân chúng nhằm thị uy, các quan đều sợ mà không dám nhũng nhiễu của dân.

Tháng 11-1831, Tư vụ Nội vụ phủ là Nguyễn Đức Tuyên đã ăn bớt nhựa thơm, rồi lấy mật trộn lẫn vào, để ít hóa nhiều. Gian dối này bị phát hiện, đáng lẽ cũng bị xử tử và chặt tay treo ở kho. Nhưng để răn đe nghiêm hơn, vua Minh Mạng ra chỉ dụ: Chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận.

Thời vua Tự Đức, có ông quan Vũ Đinh nổi tiếng là chính trực. Một hôm, ông phát hiện người coi kho lấy trộm một ít tiền rồi lén ra quán uống rượu. Số tiền chẳng đáng bao nhiêu nhưng không hiểu vì sao chuyện lọt đến tai vua Tự Đức, vua xem cáo trạng rồi phê rằng: Nhất nhật nhất tiền/Thiên nhật thiên tiền/Thắng cứ mộc đoan/Thủy trích thạch xuyên/Tội bất dung tru/Lý ưng xử trảm. Dịch nghĩa là: Một ngày một đồng/Ngàn ngày ngàn đồng/Dây cưa đứt gỗ/Nước giọt thủng đá/Tội không dung tha/Lệnh truyền xử chém.

Ngoài ra, để chống tham nhũng, việc tuyển chọn quan lại thời Nguyễn được thực hiện công khai, minh bạch. Ngoài hình thức khoa cử, vua còn tuyển chọn bằng hình thức tiến cử công khai nhằm tìm ra những khả năng tiềm tàng. Chưa kể, người được tuyển chọn cũng phải trải qua một thời gian làm “thí quan”. “Nếu làm tốt họ sẽ được bổ nhiệm làm chính quan, ngược lại nếu làm không tốt họ sẽ bị bãi miễn. Để tránh việc tiến cử bừa tham nhũng và tạo lập phe cánh, vua quy định, nếu quan nào tiến cử đúng người tài giỏi thì được triều đình khen thưởng, ngược lại chịu tội rất nặng.

Để tránh tình trạng “cả họ làm quan”, vua Minh Mạng đã ban hành những quy định mang tính luật hóa vào chính sách Hồi tỵ năm 1822 và liên tục bổ sung vào các năm tiếp theo với phạm vi, đối tượng áp dụng mở rộng hơn, các quy định nghiêm ngặt hơn. Các kỳ thi hương, thi hội, thi đình đều áp dụng luật này. Thậm chí, vua còn ban quy định, nếu các quan viên về kinh đô chầu được dự họp, song khi trong họp có bàn việc liên quan địa phương mình nhậm trị thì không được vào dự.

Và với Luật Hồi tỵ, nhà Nguyễn quy định rất rõ về việc không cho phép họ hàng, thân thích, người cùng quê, thầy trò, bạn học có thể cùng làm quan ở một nơi. Họ cũng không được làm quan ở quê mình. Nếu ai gặp trường hợp này phải tâu báo lên triều đình để bố trí chuyển đi chỗ khác.

Lời bàn:

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam nổi lên 2 vị vua là khắc tinh của tham quan. Vì dưới thời những vị vua này, tham quan không còn đường sống. Đó là vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng. Riêng đối với Minh Mạng, ông là vị vua anh minh, nghiêm khắc không kể tình thân quyến, bất kỳ ai cũng xử đúng theo luật định khiến quan tham không còn đất “dụng võ”. Dưới sự trị vì của ông, Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn và hùng mạnh bậc nhất trong khu vực thời bấy giờ. Vì thế, việc chống tham nhũng của vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng thật đáng học hỏi, nhất là trong lúc Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Thế nhưng, chống tham nhũng mà chỉ lặp lại cách dùng luật pháp như thời xưa thì thật sự chưa đủ và chắc chắn khó mang lại hiệu quả triệt để. Bởi nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng chính là vấn đề đạo đức con người, nhất là người làm quan dù to hay nhỏ. Do vậy, lời dạy của Khổng Tử cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là: Dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dẫn dắt dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính... Vâng, thật đáng kính thay!

N.D

  • Từ khóa
110257

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu