Thứ 7, 20/04/2024 19:23:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:06, 19/11/2014 GMT+7

Đảo Đá Đông, điểm phòng thủ quan trọng của Trường Sa

Thứ 4, 19/11/2014 | 07:06:00 3,119 lượt xem
BP - Đảo Đá Đông thuộc cụm Trường Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một trong bốn bộ phận cấu thành cụm đá ngầm mà các nhà hàng hải quốc tế gọi là cụm rạn Luân Đôn, tức London Reefs (ba thực thể còn lại là Đá Tây, Trường Sa Đông và đá Châu Viên). Đá Đông nằm cách Đá Tây khoảng 19 hải lý về phía đông và cách Châu Viên 10 hải lý (18,5km) về phía Tây. Đá Châu Viên là bãi đá ngầm bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988. Hiện Trung Quốc đã xây dựng công trình kiên cố bất hợp pháp ở vị trí này. Vì vậy, Đá Đông trở thành điểm quan trọng phòng thủ cho đảo Trường Sa Lớn.

Hình ảnh hiên ngang của đảo Đá Đông giữa biển khơi - Ảnh internet

Khí hậu thủy văn của đảo Đá Đông mang đặc trưng khí hậu thủy văn của quần đảo Trường Sa, mùa Hè mát, mùa Đông ấm hơn trong đất liền. Tuy nhiên do ở vĩ độ thấp nên thời tiết buổi trưa oi bức. Mùa khô ở đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng kéo dài từ sáng sớm đến tối. Nhưng đây lại là thời kỳ sóng yên biển lặng rất thuận tiện cho tàu thuyền đi lại, làm ăn trong khu vực. Cùng với các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Đá Đông như lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ. Đá Đông có thể phối hợp với các đảo trong cụm và trong quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn, bảo vệ cho mình và các đảo khác.  Xung quanh đảo Đá Đông, phía ngoài của thềm san hô có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao. Mùa sóng yên, biển lặng, các loại tàu thuyền của ngư dân các địa phương ven biển Việt Nam và các nước trong khu vực đến đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản tương đối đông.

Do đặc điểm là đảo đá ngầm nên để bảo đảm cho lực lượng hải quân ăn ở, sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ, công binh hải quân đã xây dựng trên Đá Đông 3 nhà lâu bền. Một nhà ở thềm san hô phía Tây; một nhà ở thềm phía Bắc và một nhà ở thềm phía Đông. Khác với các đảo nổi, ở Đá Đông nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt là nước mưa và vận chuyển từ đất liền ra. Những năm gần đây, nhờ được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động bảo đảm được nhu cầu nước sinh hoạt. Để tăng gia trồng rau xanh, đảo Đá Đông phải vận chuyển đất từ đất liền ra nên rất khó khăn và đất ở đây rất quý. Nguồn nước ngọt khan hiếm nên bộ đội phải sử dụng rất tiết kiệm nhưng họ vẫn thực hiện tốt việc trồng rau xanh. Dù rất chật hẹp nhưng trên đảo vẫn có hàng chục con gà, ngan, vịt, heo, chó. Rau xanh thì có muống, dền, sam, cải... được các chiến sĩ trồng, chăm sóc cẩn thận trong các thùng đất nhỏ.

Ngày 6-11-2014, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo phi pháp trên bãi Chữ Thập (gần Đá Đông), thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hành động của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, vi phạm luật pháp quốc tế”. Trước đó, vào ngày 23-10-2014, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cũng đã khẳng định mọi hoạt động của các bên tại 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị.

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông luôn đoàn kết, chủ động trong mọi tình huống; phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của bộ đội Trường Sa anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác, cảnh giác trong thực hiện nhiệm vụ, không bỏ lọt mục tiêu, xử lý đúng đối sách, không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững phẩm chất đạo đức, lối sống của người chiến sĩ, có quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông còn thường xuyên làm tốt việc hướng dẫn và giúp đỡ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản tại khu vực biểm mà đảo phụ trách.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân đất liền, hiện đảo Đá Đông đã có  hệ thống điện từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đây là điều kiện tốt góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, học tập công tác, đưa cán bộ, chiến sĩ trên đảo về gần đất liền hơn. Các điểm đảo được trang bị máy thu hình, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cán bộ, chiến sĩ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới. Trải qua gần 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Đông đã lập nên những thành tích xuất sắc, được chỉ huy các cấp ghi nhận. Nhiều năm liền, đảo được Lữ đoàn, Bộ chỉ huy Vùng 4 tặng giấy khen, bằng khen và  Bộ Tư lệnh Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”.(*)

Đức Hồng
(*) Tham khảo “Lịch sử Hải quân Việt Nam”

  • Từ khóa
111202

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu