Thứ 6, 19/04/2024 09:38:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:47, 16/11/2017 GMT+7

Danh tướng trung thần

Thứ 5, 16/11/2017 | 08:47:00 740 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Đức Trung (1404-1477), là công thần nhà Lê sơ. Quê ông ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn (Thanh Hóa). Nguyễn Đức Trung là con của công thần khai quốc nhà Lê sơ Nguyễn Công Duẩn. Ông nối chí cha làm quan từ đầu thời nhà Lê. Thời Lê Nhân Tông, ông giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ. Thời niên thiếu ông theo phò vua Lê, đến đời Hồng Đức.

Ông có con gái tên Nguyễn Thị Ngọc Hằng (Ngọc Huyền) tiến cung nên được gọi là Quốc cữu... Ông là cao tổ của Nguyễn Hoằng Dụ, cao cao tổ của Nguyễn Kim. Ông là một trong những người rước lập Lê Tư Thành lên ngôi, hiệu là Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến đời Thánh Tông, lên đến chức Đô đốc tước Trình quốc công, kinh lược An Bang, trấn thủ đạo Thừa tuyên Quảng Nam. Con trai ông là Thái úy Nguyễn Văn Lang đời Lê Túc Tông từng là Thủy quân vệ chỉ huy sứ.

Minh họa: S.H

Trong gia phả Nguyễn tộc tại Tam Kỳ (Quảng Nam) có đoạn ghi rõ: Ngài Công Duẩn sinh ra Thái bảo Quận công Nguyễn Đức Trung, vào đất Quảng cho lập làng Ngọc Thọ và cư ngụ ấp Thọ Tân, làng Ngọc Thọ, tổng Phước Lợi Trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam. Và trong bài “Siêu kỳ phố ý” cũng nói qua vị cao tổ Nguyễn tộc, như sau: Dòng chánh của cố Nguyễn Đức Trung (Nguyễn Văn Thường)... họp cùng nhau lớn nhỏ nam nữ trong bổn tộc cầu khẩn Lôi ti độ người chết, che chở kẻ sống... Thế năm nay, ngày lành tháng tốt giúp cho bổn tộc lo việc kỳ an siêu độ cầu cứu thiên linh khảo tổ Nguyễn Đức Trung...

Theo sử cũ, vào tháng 10-1459, anh của vua Lê Nhân Tông là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân tước đoạt hoàng vị, giết chết hoàng đế và thái hậu, tự lập lên ngôi, đặt niên hiệu Thiên Hưng. Sau 8 tháng làm vua, Nghi Dân tin dùng bọn gian nịnh, giết hại bề tôi cũ, pháp chế của tổ tông đổi thay hết thảy, người oán trời giận. Ngày 6-6-1460, ông cùng các đại thần là Khai phủ nghi đồng tam ty nhập nội kiểm hiệu thái phó bình chương quân quốc trọng sự Á quận hầu Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Nhập nội kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự Á thượng hầu Lê Lăng, Tư mã tham dự triều chính Đình thượng hầu Lê Niệm, Tổng tri ngự tiền hậu quân Á hầu Lê Nhân Thuận, Tổng tri ngự tiền trung quân Quan nội hầu Lê Nhân Khoái... phát động binh biến. Sau đó, các trọng thần trong triều đã cho quân lính chém chết bầy tôi thân cận của Nghi Dân là Phạm Đồn, Phan Ban ở nghị sự đường. đồng thời, Nguyễn Đức Trung tổ chức nắm giữ đội quân cấm binh của triều đình, rồi đóng chặt cửa thành. Tướng Lê Ninh Thuận còn vây bắt tất cả cánh quân thân cận của Lê Nghi Dân và phế Thiên Hưng làm Lệ Đức hầu. Sau đó, phái binh biến cho người rước con út của Thái Tông Văn hoàng đế là Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi, tức hoàng đế Lê Thánh Tông.

Tháng 10-1460, Tổng đốc Nguyễn Xí, Đông đốc Đinh Liệt tâu trình tên họ quan trong các phiên, các quan ngự doanh và những người trước sau xướng nghĩa chém bọn nghịch thần Đồn, Ban. Nguyễn Đức Trung được xướng nghĩa cùng với 49 người khác, công hàng thứ 2. Năm 1461, ngày 1 tháng 8, con gái thứ hai của Nguyễn Đức Trung năm trước đó được tuyển vào làm Sung nghi ở cung Vĩnh Ninh, sinh hoàng tử trưởng Lê Tranh (sau gọi là Hiến Tông). Năm 1467, Nguyễn Đức Trung lúc đó giữ chức Nam quân phủ đô đốc đồng tri được vua Lê Thánh Tông sai đem quân đi dẹp loạn ở vùng An Bang.

Năm 1471, ông theo Lê Thánh Tông dẫn quân bộ đi đánh Chiêm Thành, thắng lớn, mở rộng đất đai phía nam nước Đại Việt. Khi trở về ông được phong chức Thái úy, tước hiệu Trịnh quốc công, làm Đô ty Thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1472, vì tuổi già sức yếu, ông xin cáo lão về nghỉ. Ông mất năm 1477, thọ 73 tuổi.

Lời bàn:

Không biết tự bao giờ người xưa đã có câu rằng “Danh không chính thì ngôn không thuận”. Và một khi ngôn đã không thuận thì nói chẳng ai nghe. Làm vua nói không ai nghe thì thà làm thường dân mà nói có người theo còn hơn. Là con trưởng của vua Lê Thái Tông, điều này chắc chắn Lê Nghi Dân sẽ hiểu hơn ai hết. Song chỉ vì ngai vàng mà ông ta đã nhẫn tâm giết chết vua là em trai mình và Tuyên Từ hoàng thái hậu. Lẽ đời là thế, cái gì vốn đã không thuộc về mình mà cứ cố giành hay cướp cho bằng được thì về sau ắt có người sẽ lấy lại bằng chính thủ đoạn ấy. Minh chứng cho điều này là cái giá Lê Nghi Dân đã phải trả cho hành động bất nhân, bất nghĩa và bất trung của mình.

Dưới thời phong kiến, phản nghịch là đại tội và hậu quả của những người bị khép vào tội này là cái chết không chỉ của bản thân, mà còn liên lụy đến 3 họ - tru di tam tộc. Thế nhưng không phải vì vậy mà việc phế vua để lập vua mới không xảy ra, mà ngược lại đây không là chuyện hiếm. Mục đích của việc phế vua và lập vua mới là tìm ra vị vua “sáng” để cai trị đất nước, mang lại thái bình và cuộc sống ấm no cho muôn dân. Vì thế người đương thời và cả hậu thế đều kính trọng Nguyễn Đức Trung vì không những ông là vị tướng tài, một trung thần hết lòng vì giang sơn, mà còn là người một lòng vì trăm họ, sẵn sàng mang tiếng xấu để phò giúp minh quân lên ngôi. Tiếc rằng, một người có nhiều công lao to lớn với nhà Lê sơ là vậy, nhưng chính sử lại lãng quên. Song, nhân dân mới là người viết sử công bằng nhất, dù chính sử không chép nhiều về ông, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đức Trung vẫn sống mãi với người dân đất Việt.

N.D 

  • Từ khóa
109983

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu