Thứ 6, 29/03/2024 21:59:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:31, 31/12/2019 GMT+7

Danh tướng kiệt xuất

N.D
Thứ 3, 31/12/2019 | 13:31:00 824 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trước khi thực hiện ý đồ xâm lược Đại Việt, vua nhà Tống đã cho mời viên Tri châu Quế là Tiêu Chú để bàn việc đánh Đại Việt. Tiêu Chú vốn là người thông hiểu tình hình Đại Việt. Tuy trước đây y rất hiếu chiến nhưng biết tình thế đã thay đổi nhiều nên tỏ ra rất thận trọng. Tiêu Chú đã tâu rằng: Xưa, thần cũng có ý ấy. Bấy giờ quân khê động một người ta có thể địch mười; khí giới sắc và cứng; người thân tín thì tay chỉ, miệng bảo, là điều khiển được. Nay, hai điều ấy không như trước; binh giáp không sẵn sàng, người tin chết quá nửa. Mà người Giao Chỉ lại sinh tụ, giáo hối đã mười lăm năm rồi. Bây giờ, nói quân Giao không đầy một vạn thì sợ sai.

Vua Tống Thần Tông không thích lời tâu này. Lại thêm có viên Hình Bộ lang trung Thẩm Khởi tâu rằng: Giao Chỉ là đồ hèn mọn. Không lý gì không lấy được. Vua Tống hài lòng với lời tâu hiếu chiến ấy, bèn giao cho Thẩm Khởi làm Quảng Tây kinh lược sứ. Khởi được phép tự tiện hành sự trước rồi tâu sau, lo chuẩn bị cho chiến tranh. Thẩm Khởi nhân đó mà chuyên quyền. Qua việc bổ nhiệm Thẩm Khởi, vua Tống đã thể hiện rõ ý định xâm lược. Vua tôi nước Tống bàn nhau: Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu Hạ sẽ phải kiêng nể.

Để thực hiện tham vọng xâm lược, nước Tống có nhiều nước đi chuẩn bị kỹ lưỡng. Về hậu cần lực lượng, 3 thành nằm trên đường tiếp vận của quân Tống sang biên giới Đại Việt là Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu đã trở thành những nơi tích trữ lương thảo, khí giới, mộ tân binh để huấn luyện. Quế Châu cũng được lệnh tăng cường mộ binh trữ lương, huấn luyện quân sĩ, trưng thu thuyền buôn vào làm thuyền chiến. Toàn lộ Quảng Tây nước Tống có đến hàng vạn tân binh được tuyển, tập trung huấn luyện ở các thành trì. Triều đình Tống dự định sẽ gom số tân binh miền Nam Tống và số quân thiện chiến miền Bắc Tống để tấn công Đại Việt.

Để yên ổn ở biên thùy phía Bắc, rảnh tay ở phía Nam, vua Tống đã theo lời Vương An Thạch chấp nhận cắt đất 700 dặm ở Hà Đông cho nước Liêu. Vương An Thạch cũng lên kế hoạch lôi kéo Chiêm Thành, Vương quốc Khơme vào một liên minh chống Đại Việt. Tình báo được tăng cường sang nước ta thăm dò tin tức, sai viên chuyển vận sứ Quảng Tây là Đỗ Kỷ báo cáo chi tiết về chính trị, địa thế, dân số, đường sá của Đại Việt. Quan chức Tống ở biên giới cấm không cho dân chúng 2 nước qua lại buôn bán nữa. Kinh lược sứ Thẩm Khởi của Tống còn cho người sang chiêu dụ các tù trưởng ở các châu động biên giới Đại Việt. Nước Tống một mặt đẩy mạnh quá trình chuẩn bị xâm lược, một mặt lại hết sức đề phòng kế sợ bị lộ khiến Đại Việt có sự đề phòng.

Tuy nhiên hai điều này vốn mâu thuẫn nhau nên tình báo của Đại Việt đã sớm biết được ý đồ của nước Tống. Vì hoạt động khiêu khích quá lộ liễu mà Thẩm Khởi đã bị vua Tống bãi chức, cho Lưu Di lên thay. Đến lượt mình, Lưu Di vẫn đẩy mạnh những việc mà Thẩm Khởi đã làm càng khiến kế hoạch xâm lược của Tống thêm bại lộ. Viên quan giữ thành Ung Châu là Tô Giám đưa thư cho Lưu Di bảo rằng “chớ làm những sự khiêu khích giặc”. Lưu Di không nghe theo, lại trách Giám bàn nhảm và cấm Giám không được bàn nữa.

Nhìn chung, tuy chính sách của vua tôi nước Tống có nhiều điều bất nhất nhưng tựu trung vua Tống đã quyết chí đánh chiếm nước ta. Vấn đề chỉ là nhanh hay chậm, sự chuẩn bị tới đâu mà thôi. Thời gian càng lâu, sự tập trung binh lực và của cải đổ vào cuộc chiến sẽ càng lớn. Đến năm 1075, nước Tống đã có những kho tàng, những trạm tiền tiêu lợi hại ở vùng Quảng Tây, đặc biệt là 3 căn cứ Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu tạo thành một thế liên hoàn. Từ đây, tuyến đường xâm lược đã rộng mở cả thủy lẫn bộ tiến vào Đại Việt.

Trong bối cảnh nước Tống đang ráo riết chuẩn bị xâm lược từ phía Bắc, thì quân Chiêm Thành được nhà Tống xúi bẩy đã đánh phá dữ dội ở phía Nam. Nước Đại Việt lâm vào thế lưỡng đầu thọ địch. Biết rõ âm mưu và ý đồ của kẻ thù, trước khi kéo quân sang phạt Tống, Lý Thường Kiệt Nam chinh đại phá Chiêm Thành.

Lời bàn:

Sử dụng “hai gọng kìm” từ phía Bắc đánh xuống, từ phía Nam đánh lên để xâm lược, thôn tính Đại Việt là âm mưu thâm căn, cố đế của các vương triều phong kiến Trung Quốc. Đây cũng là âm mưu được nhà Tống sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, song đã bị quân và dân triều Lý đập tan. Từ đó, các đời Tống về sau không ai còn dám nghĩ đến đánh Đại Việt báo thù nữa. Làm nên chiến thắng vĩ đại này có sự cống hiến lớn lao của vị tướng Tổng chỉ huy Lý Thường Kiệt. Với nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh kiệt xuất, luôn luôn thể hiện tư tưởng tiến công trong chỉ đạo tác chiến, đánh phủ đầu quân xâm lược khi chúng chưa kịp hành động...

Ông còn khéo kết hợp giữa tiến công và phòng ngự, đồng thời vận dụng tài tình sự kết hợp giữa đấu tranh quân sự với công tác chính trị và hoạt động ngoại giao. Với công lao to lớn ấy, Lý Thường Kiệt xứng danh là anh hùng dân tộc bậc nhất đời Lý. Ông còn là nhà quân sự kiệt xuất, có tài thao lược lỗi lạc, phá Tống, bình Chiêm, đánh đâu thắng đấy. Ông cũng là nhà chính trị tài giỏi và ngoại giao xuất sắc. Về văn học, ông để lại cho đời bài thơ bất hủ “Nam quốc sơn hà”, tác phẩm được xem là bản tuyên ngôn đầu tiên của nước ta. Vì vậy, tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn sáng chói mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc.

  • Từ khóa
110277

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu