Thứ 5, 25/04/2024 13:41:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:45, 20/06/2019 GMT+7

Danh tướng cãi lệnh vua

Thứ 5, 20/06/2019 | 14:45:00 1,448 lượt xem

BP - Để không phải đối đầu với bạn là tướng nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu, tướng Thoại Ngọc Hầu tự ý rời Phú Xuân về Gia Định khi chưa có lệnh vua. Theo sử cũ, Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu cùng quê làng An Hải, tổng An Lưu Hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (Quảng Nam), nay là phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. 2 người chơi với nhau rất thân. Sau vì quê hương loạn lạc, Nguyễn Văn Thoại phải theo cha mẹ vào sống tại Cù Lao Dài trên sông Cổ Chiên (Vĩnh Long) rồi tình nguyện theo phò Nguyễn Phúc Ánh khi mới 16 tuổi. Gia đình Trần Quang Diệu cũng bỏ xứ về quê ngoại ở làng Trà Khê, nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng rồi vào Bình Định gia nhập nghĩa quân Tây Sơn. Khi biết tin nhau thì 2 ông đã ở hai bên chiến tuyến.

Cả 2 đều có tính khí kiên cường, bất khuất nên sớm trở thành tướng tâm phúc của Nguyễn Phúc Ánh và Nguyễn Huệ. Nguyễn Văn Thoại làm đến chức Khâm sai Bình tây Đại tướng quân, tước Hầu. Còn Trần Quang Diệu cũng được phong làm chức Thái phó và là một trong những vị quan trụ cột của nhà Tây Sơn. Là võ tướng 2 triều thù địch nhưng suốt 25 năm họ không bao giờ đối địch nhau. Năm 1801, lúc Nguyễn Văn Thoại mang quân từ Lào tiến đánh Phú Xuân thì nghe tin Trần Quang Diệu từ Quy Nhơn cầm binh ra tiếp cứu. Không muốn đối đầu với bạn, tướng Nguyễn Văn Thoại đã giao binh quyền cho Phó tướng của mình là Lưu Phước Tường rồi bỏ vào Gia Định.

Vì vậy, ông bị chúa Nguyễn bắt tội là không có lệnh vua mà tự tiện về, giáng xuống làm Cai đội quản đạo Thanh Châu. Ông mất tất cả cơ đồ, công danh, sự nghiệp nhưng không đánh mất tình quê hương, bè bạn. Hành động dám làm trái ý vua để khỏi phải chạm mặt bạn trên chiến trường của ông được các nhà nghiên cứu đánh giá cao vì cho rằng ông đã dám “vì nghĩa diệt thân”.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đã lên ngôi và lấy hiệu Gia Long chiêu hàng Trần Quang Diệu. Ông đáp: Trung thần không thờ hai vua, nay tôi bị bắt thì chỉ có tội chết. Nếu nhà vua mới rộng lượng tha cho, như trước đây tôi đã tha cho các tướng ở Quy Nhơn thì tôi sẽ về ở nơi thôn dã, cày ruộng, nộp thuế như người thường dân, chứ nhận chức quan của triều đại mới thì không phải là trượng phu. Biết không thể khuất phục được Trần Quang Diệu, vua nhà Nguyễn xử ông tội chết. Sau đó, Trần Quang Diệu và vợ con ông đã bị vua Gia Long xử tử. Thân tộc bị hệ lụy, phải đổi sang họ Nguyễn để tránh tội “tru di”. Một số tài liệu cho rằng, chính Thoại Ngọc Hầu đã bí mật cho người về quê, giao cho vợ thứ là bà Nguyễn Thị Hiền trích ra 3/18 mẫu ruộng đang cai quản để lo hương hỏa, thờ tự danh tướng Tây Sơn bạn mình.

Không chỉ trọng tình bạn, Thoại Ngọc Hầu còn là người có công lớn khai phá vùng đất Tây Nam bộ, khẩn hoang lập ấp, đào kinh, đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới, đặt nền móng cai trị lâu dài của nước ta trên vùng đất biên viễn này. Với những công lao rất lớn đối với triều đình ông đã được vua Minh Mạng truy phong Tráng Võ tướng quân, Trụ quốc Đôn thống. Thế nhưng, theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, sau khi ông mất, tấm lòng son sắt vì nước, vì dân của vị khai quốc công thần Nguyễn Văn Thoại gần như bị chính vua Minh Mạng phủi sạch khi nghe Võ Du ở Tào hình Bộ tố cáo ông vì tội nhũng nhiễu của dân nhiều khoản.

Triều đình nghị án, ông bị truy giáng tước xuống hàm ngũ phẩm, con ông là Nguyễn Văn Tâm bị lột ấn hàm, tất cả điền sản đều bị tịch thu phát mãi. Người con rể là Võ Vĩnh Lộc theo Lê Văn Khôi khởi nghĩa chống lại triều đình. Cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, vợ chồng Lộc bị bắt, vua Minh Mạng yêu cầu bộ Hình điều tra mối quan hệ giữa Lộc và ông. Sau này, khi mọi việc được phơi bày, nhưng ông vẫn chưa được giải oan. Mãi đến ngày 25-7-1924, vua Khải Định mới xét lại và chính thức truy phong ông là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần.

Lời bàn:

Cãi lệnh vua, chấp nhận bị giáng chức để tránh đối đầu với bạn trên chiến trường. Câu chuyện này chỉ diễn ra duy nhất một lần trong sử Việt. Đó là chuyện xảy ra giữa Thoại Ngọc Hầu và Trần Quang Diệu. Quyết định này của Thoại Ngọc Hầu khiến ông bị ảnh hưởng nặng đến cơ đồ, công danh, sự nghiệp nhưng không đánh mất tình yêu quê hương, bè bạn, bởi ông đặt tình bạn lên trên tất cả. Không dừng lại ở đó, đến năm 1802, Trần Quang Diệu và vợ con bị vua Gia Long xử tử. Thân tộc bị hệ lụy, phải đổi sang họ Nguyễn, chính Thoại Ngọc Hầu đã bí mật cho người về quê, giao cho vợ thứ trích ruộng đất của mình để lo hương hỏa, thờ tự bạn.

Hành động dám làm trái ý vua để khỏi phải chạm mặt bạn trên chiến trường của ông được các nhà nghiên cứu đánh giá cao vì cho rằng, ông đã dám “vì nghĩa diệt thân”. Thế mới hay rằng, tình bạn vĩnh hằng hơn mọi công danh. Tiếc rằng, không phải ai cũng hiểu được điều đó. Vì thế, ở đâu và thời nào cũng có kẻ “bằng mặt mà chẳng bằng lòng”. Lại có người chỉ biết đến quyền và lợi ích cá nhân, chẳng bao giờ quan tâm đến người khác nhưng lại muốn người khác phải quan tâm đến mình. Thậm chí có kẻ còn sẵn sàng đâm sau lưng bạn bằng mọi cách. Thật đáng buồn thay!

N.D

  • Từ khóa
110194

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu